Ngày 7/4, tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nam (70 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) ngộ độc methanol, hôn mê, bị biến chứng nhiễm trùng, có nguy cơ sống thực vật cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Minh - Khoa Cấp cứu ( Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết loét, trong đó có nhiều vết loét sâu, nhiều mủ viêm, sốt cao. Kết quả nuôi cấy máu và dịch hút phế quản cho thấy: Bệnh nhân nhiễm nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc, chưa rõ nguyên nhân lây nhiễm.
Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nặng, uống trung bình 500 - 700ml mỗi ngày. Khoảng giữa tháng 3, sau khi uống rượu, bệnh nhân bị hôn mê được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Bệnh nhân đã được chẩn đoán ngộ độc methanol, tổn thương não, xuất huyết não rải rác. Bệnh nhân hôn mê không hồi phục ý thức, phải thở qua lỗ mở khí quản. Men gan tăng gấp 4-5 lần bình thường. Bệnh nhân đã được điều trị giải độc methanol, đưa về bệnh viện tuyến tỉnh để chăm sóc khi sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có tình trạng sốt không rõ nguyên nhân, hôn mê nên được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 2/4.
Điều trị cho bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
"Bệnh nhân được chỉ định dùng 2 loại kháng sinh, kết hợp chăm sóc da vùng loét, chăm sóc đường thở nhờ vỗ rung, hút đờm, nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Bệnh nhân hiện đã đỡ sốt nhưng khả năng phục hồi ý thức rất thấp, nguy cơ cao sống thực vật" - bác sĩ Minh cho biết thêm.
Về nguy cơ ngộ độc methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu rất nặng, đặc biệt là ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, loại rượu có nồng độ methanol rất cao gây ngộ độc.
"Qua quá trình làm việc với tất cả các bên chuyên môn và quản lý trong và ngoài nước, cùng với các bằng chứng khoa học, với cách nấu rượu truyền thống, lên men và ủ, chưng cất rượu từ ngũ cốc thì không bao giờ gây ngộ độc methanol. Sản phẩm có nồng độ methanol cao như thế này chỉ có từ quá trình pha cồn công nghiệp và đóng chai thành sản phẩm rượu rởm", bác sĩ Nguyên khẳng định.
Theo bác sĩ Nguyên, sau uống methanol cũng gây say như rượu thông thường, có thể sau 2 ngày mới bắt đầu có biểu hiện ngộ độc. Methanol được chuyển hóa và thải trừ rất chậm nên nếu bệnh nhân không tử vong thì methanol có thể vẫn còn phát hiện thấy trong người tới 8 ngày sau uống.
"Nếu để chất độc này tồn tại trong cơ thể giờ nào thì não và mắt của bạn sẽ bị "tổn thương" chừng đó (methanol trong cơ thể chuyển dần thành axít formic gây ảnh hưởng xấu đến mắt và não). Do đó, nếu lỡ uống các loại rượu nghi ngờ có methanol, người dân cần đi khám ngay", bác sĩ Nguyên nhận định.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu, tránh nguy hại đến sức khỏe.