Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:18
RSS

Tuyển sinh đại học 2025: Bổ sung tổ hợp xét tuyển

Thứ tư, 06/11/2024, 17:05 (GMT+7)

Năm 2025, nhiều trường thực hiện cải tiến với việc bổ sung, thay đổi tổ hợp xét tuyển hoặc điều chỉnh “thước đo” năng lực đầu vào của thí sinh.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM). Ảnh: NTT.EDU

Đánh giá năng lực học tập đại học

Ngày 5/11, Trường Đại học Nha Trang tổ chức hội thảo với chủ đề “Đổi mới tuyển sinh và cải tiến chương trình đào tạo trình độ đại học thích ứng với Chương trình GDPT mới”, với sự tham gia của lãnh đạo sở GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT đến từ Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

PGS.TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Nha Trang cho biết, năm 2025, nhà trường sẽ thay đổi cách tiếp cận trong tuyển sinh. Cụ thể, Trường Đại học Nha Trang tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học.

Trong đó, yếu tố “Kết quả học tập ở THPT” được xác định tùy theo mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo, thí sinh phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm.

Yếu tố “Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học” tập trung vào khả năng Toán, Ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học. Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.

“Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học có thể lấy từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực của cơ sở đào tạo”, ông Phương cho biết.

Trong đó, định hướng tổ hợp xét tuyển từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm các môn chính: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; hoặc Toán, Ngữ văn (một trong 2 môn nhân hệ số 2); hoặc Toán, Ngữ văn và 1 môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Kỳ thi đánh giá năng lực có thể là kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, TPHCM hoặc một đại học khác. Nhà trường sẽ công bố chi tiết các kỳ thi này khi công bố phương án tuyển sinh chính thức để thí sinh lựa chọn.

“2025 - năm bản lề với nhiều sự thay đổi trong giáo dục khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 môn với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Do đó, phương án tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ được điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi ở cấp THPT.

Đây là vấn đề được quan tâm không chỉ của giáo viên, phụ huynh và học sinh, mà còn từ các cơ sở đào tạo, trường đại học”, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Nha Trang đánh giá.

Thí sinh dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2024 do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức. Ảnh: Mạnh Tùng

Tăng cơ hội tiếp cận ngành nghề khác nhau

Trong mùa tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Công Thương TPHCM dự kiến đưa một số tổ hợp môn khối C vào trong các tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm học tập THPT năm 2025. Đây là điều đặc biệt với trường đại học có truyền thống đào tạo khối ngành công nghệ kỹ thuật này.

Theo đó, trường tuyển sinh 34 ngành, mỗi ngành có 4 tổ hợp xét tuyển. Trong mỗi ngành sẽ có một môn học chính. Cụ thể, tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử) được bổ sung để tuyển sinh cho các ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Luật Kinh tế.

“Điều này tạo cơ hội cho các thí sinh có nền tảng về khối C tiếp cận nhiều ngành nghề khác nhau tại trường”, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh nhà trường giải thích.

Trong mỗi ngành học sẽ có một môn học chính thường xuyên xuất hiện trong các tổ hợp xét tuyển. Trong đó, Toán được xem là môn học chính trong các ngành như Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính ngân hàng và các ngành khối Công nghệ, Kỹ thuật. Ngữ văn xuất hiện ở các ngành có liên quan đến quản trị và xã hội như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật kinh tế. Tiếng Anh là môn học chính trong các ngành như Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc phản ánh sự cần thiết của kỹ năng ngoại ngữ đối với các ngành ngôn ngữ.

“Đối với thí sinh không có nền tảng tiếng Anh mạnh nhưng vẫn mong muốn học các ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc, các bạn có thể lựa chọn: Học bổ sung kiến thức tiếng Anh trước khi vào đại học thông qua các lớp học thêm, khóa học trực tuyến hoặc tham gia trung tâm Anh ngữ; tận dụng chương trình dự bị tiếng Anh nếu nhà trường có cung cấp nhằm cải thiện kỹ năng tiếng Anh cơ bản trước khi vào học chuyên ngành; tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh để đánh giá lại trình độ và chuẩn bị cho việc học các ngành ngôn ngữ”, ông Sơn nói.

Giảm chỉ tiêu xét học bạ THPT

Năm 2025, một số trường đại học lớn dự kiến không xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (học bạ THPT) hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ. Trong đó, Trường Đại học Sư phạm TPHCM “tiên phong” trong việc này khi đẩy mạnh kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức, tạo thành phương thức tuyển sinh độc lập với số lượng chỉ tiêu lớn hơn.

Theo công bố của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, năm 2025, đơn vị sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Phương thức 1 xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT khoảng 10% chỉ tiêu. Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên khoảng 10 - 20% chỉ tiêu. Phương thức 3 xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40 - 50% chỉ tiêu).

Dự kiến khoảng hơn 30 ngành sử dụng phương thức này. Thí sinh cần thi ít nhất 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành, trong đó có một môn chính. Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai cộng với điểm môn còn lại.

Cuối cùng, nhà trường xét tuyển dựa trên Kỳ thi tốt nghiệp THPT với khoảng 20 - 40% cho các ngành có sử dụng phương thức 3 hoặc 70 - 80% cho các ngành không có phương thức 3. Trước đó, Trường Đại học Sư phạm TPHCM sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển như một phương thức độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30 - 40% chỉ tiêu).

Đại diện nhà trường lý giải, không dùng kết quả học bạ xét tuyển nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Điều này cũng đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào.

Trong mùa tuyển sinh tới, các trường đại học cũng mở thêm một số ngành mới. Trường Đại học Công Thương TPHCM dự kiến mở thêm ngành Luật. Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến tuyển sinh thêm một số ngành tại Phân hiệu Long An, gồm: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Lịch sử - Địa lý và 1 ngành cao đẳng là Giáo dục Mầm non…

Mạnh Tùng
Theo Giáo dục & Thời đại