Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:19
RSS

Người trẻ lựa chọn ngành nghề cần dựa vào tố chất và đam mê

Thứ tư, 06/11/2024, 10:57 (GMT+7)

Không ít bạn trẻ loay hoay trên con đường lập thân, lập nghiệp vì không tìm được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội.

Lựa chọn ngành nghề phù hợp là bước ngoặt ảnh hưởng lớn đến tương lai của mỗi người.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như không xác định rõ được những mối quan tâm và giá trị của bản thân, sự định hướng chưa đúng đắn của phụ huynh,…

“Sai một ly, đi một dặm”

Dù đã 26 tuổi, nhưng Đoàn Thị Hồng Ngọc (quê Hải Phòng) vẫn đang là sinh viên năm thứ 3 một trường đại học tại Seoul (Hàn Quốc). Trong khi đó, hầu hết các bạn đồng trang lứa với Ngọc đã bước chân vào thị trường lao động, có việc làm ổn định.

“Trước đây, tôi học ngành lịch sử tại một trường đại học có tiếng tại Hà Nội Thực tế thì tôi không thích ngành này, nói chính xác là tôi không biết bản thân thích gì, mạnh ở điểm nào, yếu ở đâu. Tôi chỉ đăng ký bừa nguyện vọng như một chiếc ‘phao cứu sinh’ miễn sao vào được cánh cửa đại học. Vì vậy trong suốt 2 năm học, tôi cảm thấy vô cùng bí bách và ngột ngạt, không có hứng thú và động lực học tập”, Hồng Ngọc thẳng thắn bày tỏ.

Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, Hồng Ngọc quyết định bảo lưu việc học trên trường để tìm hiểu về đam mê của bản thân. Sau gần nửa năm, Hồng Ngọc đưa ra quyết định sẽ theo học truyền thông để thành nhà sản xuất. Không còn qua loa như trước, Hồng Ngọc dành cả tháng để tìm hiểu thông tin về các ngành, các trường trong và ngoài nước đào tạo về ngành này, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp,... Sau khi cân nhắc và tính toán, Hồng Ngọc lựa chọn đi du học ngành truyền thông tại Hàn Quốc.

“Tôi mất nửa năm để biết bản thân muốn gì, hơn 1 năm để học tiếng Hàn và ‘săn’ học bổng, thêm 6 tháng để hoàn thành các thủ tục giấy tờ để sang Hàn Quốc. Đôi lúc tôi thấy chạnh lòng vì thấy các bạn đồng trang lứa đã học xong, đi làm ổn định rồi còn mình thì vẫn chưa đâu vào đâu. Song tôi cũng tự an ủi rằng muộn còn hơn không, tôi không thể tiếp tục học và làm việc ở một ngành nghề mà bản thân không có hứng thú và đam mê được”, bạn trẻ này chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Trách nhiệm của ai?

Theo Hồng Ngọc, yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn ngành nghề chính là đam mê. Việc hiểu rõ sở thích và đam mê của bản thân giúp mỗi người tìm kiếm công việc và hoạt động phù hợp, duy trì động lực và niềm vui trong cuộc sống.

“Ngành nghề, công việc nào cũng sẽ có những áp lực và khó khăn. Song nếu được làm điều mình thích thì đó sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ để chúng ta vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu. Khi làm việc với đam mê, tôi sẵn sàng bỏ thời gian, công sức và cả năng lượng để hoàn thành công việc”, Hồng Ngọc tâm sự.

Ngoài ra, bạn trẻ này cho rằng, xác định nghề nghiệp phù hợp cần dựa trên tính cách của chính bản thân. Nếu là người hướng ngoại và thích giao tiếp, có thể cân nhắc công việc trong môi trường năng động và tương tác nhiều với người khác. Ngược lại, nếu là người hướng nội và thích làm việc độc lập, các công việc nghiên cứu hoặc viết lách có thể là một sự lựa chọn phù hợp.

Chia sẻ về vấn đề chọn ngành nghề của các em học sinh, PGS.TS Lâm Minh Châu, giảng viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, đây là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai và sự nghiệp của mỗi người. Để đưa ra sự lựa chọn hợp lý, mỗi người cần hiểu rõ sở thích và khả năng của bản thân, cũng như tìm hiểu cơ hội phát triển của từng ngành nghề. Bên cạnh đó, sự định hướng của phụ huynh và giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng.

“Trong suốt nhiều năm làm công tác giảng dạy, tôi nhận ra bất cứ học sinh nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự khám phá được thế mạnh và tự nhìn nhận được điểm yếu của bản thân. Điều này dẫn đến việc nhiều người không biết mình muốn gì, bản thân phù hợp với ngành nghề nào. Vì vậy, thầy cô và gia đình có vai trò quan trọng, là những người đồng hành nhằm định hướng cho các em phát huy được năng lực”, PGS.TS Lâm Minh Châu cho biết.

Bên cạnh đó, PGS.TS Lâm Minh Châu cho rằng, hiện nay tư duy giáo dục của nhiều bậc phụ huynh vẫn bị đóng khung dẫn đến hạn chế sự phát triển cũng như việc xác định ngành nghề của con trẻ. Họ vẫn giữ quan niệm rằng con trai phải giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá. Còn con gái thì phải học khối xã hội. Những môn Âm nhạc, Mỹ thuật,… là môn phụ, học cũng được mà không học cũng không sao.

Nhiều phụ huynh vẫn cố ép con cái học để làm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư,… Họ cho rằng đó mới là nghề cao quý, được xã hội xem trọng. Nhiều em học sinh có đam mê nghệ thuật muốn trở thành ca sĩ, diễn viên lại bị chính gia đình phản đối gay gắt. Thực tế, lối suy nghĩ này đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Thay vào đó, phụ huynh cần hiểu, tôn trọng và định hướng con trẻ phát huy được thiên khiếu.

“Theo tôi, hãy tôn trọng và giáo dục lớp trẻ dựa trên thiên khiếu của chúng. Bởi nếu không có tố chất, sự đam mê và yêu thích, sẽ rất khó khăn cho chúng khi bị ép vào một khuôn mẫu do người lớn tạo ra. Ngược lại, năng lực thật sự nếu được khai phá thì sẽ có rất nhiều cơ hội để “toả sáng”. Chính vì thế, nền giáo dục nói chung và thầy cô giáo, gia đình nói riêng đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện, rèn giũa và định hướng nghề nghiệp cho thế hệ sau này”, vị giảng viên này giải thích.

Đối với các bạn học sinh đang đứng trước những sự lựa chọn ngành nghề học, những người còn mông lung về định hướng nghề nghiệp, PGS.TS Lâm Minh Châu chia sẻ: Ngoài phát triển đam mê và thế mạnh của bản thân, các bạn trẻ cũng cần xác định nhu cầu việc làm trong xã hội hiện tại, việc nắm bắt những “điểm chạm” có thể tạo ra nhiều cơ hội. Xác định công việc, dịch vụ hoặc sản phẩm bắt kịp xu thế, giải quyết nhu cầu của xã hội sẽ giúp các bạn được trả công xứng đáng, từ đó duy trì cuộc sống ổn định và bền vững, đồng thời tạo động lực để bạn tiếp tục nỗ lực và phát triển hơn nữa.

Hà Trang
Theo Giáo dục & Thời đại