Thứ tư, 04/12/2024 | 00:54
RSS

Toàn bộ trường học tỉnh Quảng Bình sẵn sàng dạy học trở lại sau lũ

Thứ hai, 04/11/2024, 07:19 (GMT+7)

126 trường học tại Quảng Bình đã hoàn tất việc dọn dẹp, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường vào ngày mai.

126 trường học bị ảnh hưởng mưa lũ đã sẵn sàng tổ chức dạy học bình thường.

Thiệt hại hơn 12 tỷ đồng

Chiều 3/11, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác vệ sinh môi trường, khắc phục sau lũ đã được các trường học bị ảnh hưởng chủ động triển khai và có thể triển khai hoạt động dạy và học vào ngày mai.

Hoàn lưu bão số 6 gây ngập lụt nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Mưa lũ 14 người thương vong (trong đó có 7 người chết, 7 người bị thương), trong đó, huyện Lệ Thủy có 5 người chết, Quảng Ninh 1 người và thành phố Đồng Hới 1 người.

Toàn tỉnh ghi nhận hơn 9.200 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp, trong khi nhà cửa của trên 34.400 hộ dân ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới bị ngập lụt.

Dãy hàng rào hơn 25m tại điểm Trường Xuân Lai (huyện Lệ Thủy) bị nước lũ đánh sập.

Ngành giáo dục Quảng Bình phải chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy, 64 trường, điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó có đến 420 phòng học bị ngập trong nước. Tổng trị giá thiệt hại trên 6,7 tỷ đồng.

Trong đợt lũ vừa qua, huyện Quảng Ninh có 29 trường học bị ngập lụt từ 0,3 đến 1,6m; nhiều điểm trường bị chia cắt. 324 phòng học, phòng chức năng bị ngập lụt. Tổng giá trị thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của ngành Giáo dục huyện Quảng Ninh hơn 6,1 tỉ đồng.

Nước rút cũng là thời điểm các trường học bắt đầu tranh thủ vệ sinh, dọn dẹp trường lớp. Mặc dù nhà ở của các thầy cô cũng bị nước lũ tràn vào, song các thầy cô đã ưu tiên “tái thiết” trường học để sớm đón học sinh trở lại.

Thầy cô "rốn lũ" Lệ Thủy chèo thuyền đến túc trực, dọn dẹp trường trong mùa lũ.

Cô Võ Thị Đoài - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Những ngày lũ dâng, các cô trong trường đã không ngại khó để thay nhau đến túc trực, di dời trang thiết bị. Lũ qua, 70 con người gồm giáo giáo, lực lượng Bộ đội Biên phòng, tình nguyện viên lại cùng nhau vệ sinh trường lớp. Để thấy rằng tình người trong mùa lũ thật đẹp”.

Đến chiều 3/11, tất cả các đơn vị trường học bị ảnh hưởng mưa lũ đã hoàn thành việc dọn vệ sinh, rà soát lại các điều kiện an toàn để tổ chức dạy học bình thường.

Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy cho biết: “Từ khi nước rút, các trường học đã chủ động triển khai vệ sinh môi trường, phòng học để đảm bảo an toàn dạy học trường học. Vì đang ứng phó mưa lụt tiếp theo nên phải đợi tình hình tối nay, nhưng cơ bản tất cả trường học đã sẵn sàng để đón học sinh vào ngày mai”.

Chủ động ứng phó thiên tai

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 3/11 đến 5/11, khu vực tỉnh Quảng Bình có khả năng xảy mưa to, đề phòng ngập úng các vùng trũng, thấp, ven sông, các khu đô thị.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngày 3/11, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc sở; các phòng GD&ĐT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đoàn viên, thanh niên huyện Bố Trạch hỗ trợ dọn dẹp trường sau lũ.

Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ bản tin thời tiết cảnh báo mưa lũ để kịp thời thông báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên biết, chủ động phòng tránh.

Tùy theo diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại cơ sở, Hiệu trưởng, Giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở; Trưởng phòng GD&ĐT, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố chủ động cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại khi đảm bảo an toàn.

Các đơn vị, cơ sở giáo dục phân công người trực 24/24 giờ, bố trí đủ lực lượng để triển khai hiệu quả phương án phòng, chống lũ lụt, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” tuyệt đối không chủ quan, lơ là; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Những nụ cười trong những ngày vất vả dọn bùn đất sau lũ.

Các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn cần chủ động di dời thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.

Chủ động chỉ huy lực lượng tại chỗ, phối hợp với với các lực lượng, đoàn thể, cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương khắc phục hậu quả, tổ chức làm vệ sinh trường học ngay khi nước rút với tinh thần nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó; hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, đề phòng các loại dịch bệnh phát sinh sau ngập lụt và chỉ triển khai hoạt động dạy, học tại trường khi đảm bảo an toàn.

Lan Nhi
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại