Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:15
RSS

Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Băn khoăn tổ hợp tuyển sinh

Thứ sáu, 01/11/2024, 07:40 (GMT+7)

Thời điểm này, dù mới đi hết nửa học kỳ I năm học 2024 - 2025, nhưng thầy và trò nhiều địa phương đã lo việc ôn thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Vi Cầm.

Đây là năm đầu tiên thi và tuyển sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) mới) với 2 môn mới, nên học sinh không khỏi có những băn khoăn về lựa chọn tổ hợp ôn thi.

Trước đó, trung tuần tháng 10 vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đánh giá của các chuyên gia, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự phân hóa mạnh. Đặc biệt, các giáo viên dạy Toán có chung nhận định, đề tham khảo môn Toán hay, nhưng đề thi này có vênh với những mục đích, mục tiêu mà Bộ đặt ra trước đó.

Khi đổi tên gọi từ kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT đã xác định yêu cầu bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và là một trong các căn cứ xét tuyển sinh đại học cao đẳng (ĐH - CĐ). Nếu soi vào mục tiêu này, từ đề tham khảo, có thể khẳng định phổ điểm môn Toán năm 2025 sẽ giảm vì đề thi phân hóa mạnh. Câu hỏi được đặt ra lúc này là mục tiêu chính của Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi năm 2025 là xét tốt nghiệpTHPT hay tuyển sinh ĐH?

Hiện các nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học và ôn tập cho học sinh, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo yêu cầu mới. Thời điểm này, mối quan tâm của cả phụ huynh, học sinh là phương thức và tổ hợp tuyển sinh của các trường ĐH sẽ thay đổi ra sao, khi năm đầu tiên có một số môn học tự chọn trở thành môn thi tốt nghiệp THPT.

Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT đã công bố, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật Tin học, công nghệ Như vậy, thí sinh sẽ có 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này ít nhiều gây khó khăn trong việc sắp xếp và tổ chức giảng dạy tại trường, nhất là việc ôn tập cho học sinh.

Đáng chú ý, 2 môn thi mới là Tin học và Công nghệ ghi nhận số lượng học sinh tại các trường đăng ký ôn tập rất ít. Nếu tổ chức lớp ôn tập riêng cho các môn này, số lượng học sinh quá ít khiến việc sắp xếp giáo viên và lịch học trở nên khó khăn và thiếu hiệu quả. Mặt khác, nếu không tổ chức, học sinh lại không có điều kiện ôn tập kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các em cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Thực tế này đòi hỏi các nhà trường phải tìm ra giải pháp linh hoạt, vừa đảm bảo hỗ trợ học sinh hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Ghi nhận thực tế cho thấy, ngay tại Hà Nội cũng có những trường chỉ có vài chục học sinh lớp 12 chọn Công nghệ là môn thi tốt nghiệp. Số lượng học sinh có nguyện vọng sử dụng điểm thi môn Công nghệ để xét tuyển ĐH không nhiều. Lý do được học sinh đưa ra là vì chưa biết tổ hợp môn nào sẽ có môn Công nghệ, các ngành đào tạo mà các em mong muốn học có sử dụng tổ hợp với môn Công nghệ để xét tuyển hay không. Phải trả lời được những thắc mắc đó thì học sinh mới mạnh dạn học và thi môn Công nghệ để lấy điểm xét tuyển ĐH.

Trong khi Công nghệ là môn thể hiện rõ nhất giáo dục STEM, phù hợp với xu hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện chưa hoặc có ít trường ĐH sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn Công nghệ. Đây là khó khăn, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của học sinh, cũng là trăn trở của giáo viên giảng dạy môn Công nghệ. Theo ý kiến các thầy cô ở bậc THPT, để học sinh mạnh dạn lựa chọn môn này trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH cần có thêm nhiều tổ hợp xét tuyển có môn Công nghệ, đặc biệt ở các khối ngành kỹ thuật.

Theo các chuyên gia, năm 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ, do đó các em cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành/nghề trong tương lai.

Vi Cầm
Theo Đại Đoàn Kết