Thứ năm, 31/10/2024 | 07:30
RSS

Thuốc lá điện tử 'tấn công' giới trẻ

Thứ năm, 31/10/2024, 07:30 (GMT+7)

Tỷ lệ dùng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng. Các chuyên gia lo ngại nếu không có biện pháp ngăn cấm thì Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt với "làn sóng" nghiện thuốc lá mới, nguy hại không kém gì thuốc lá truyền thống.

Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng trong học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong nhóm tuổi này tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nhóm nữ giới từ 11-18 tuổi, tỷ lệ sử dụng TLĐT là 4,3%.

Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca.

Tác hại là vậy nhưng việc quản lý TLĐT lại gặp nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan. Tình trạng này sẽ dẫn tới gia tăng nhanh sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ.

Ông Lâm khuyến nghị, cần nhanh chóng ban hành các văn bản cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm TLĐT và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài. Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ông Lâm cũng cho biết, trên thế giới có gần 40 quốc gia cấm hoàn toàn TLĐT, trong đó ASEAN có 5 nước; 17 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng và nhiều quốc gia có cách quản lý khác nhau.

Trong khi đó, theo ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013 đã giúp tình trạng sử dụng thuốc lá điếu truyền thống cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, từ khi thuốc lá mới xuất hiện, nhiều khoảng trống về pháp lý đã lộ diện. Do tác hại nghiêm trọng của những sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe đặc biệt là thế hệ trẻ, nên cần phải quyết liệt ngăn chặn, kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện trước khi việc sử dụng thuốc lá mới trở nên phổ biến

Cùng quan điểm, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cũng cho rằng, hiện nay từ Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật hình sự quy định rõ mức tiền, mức phạt đối với việc buôn bán, kinh doanh hay quảng cáo hàng cấm. Nếu áp dụng triệt để thì tình hình sẽ sớm thay đổi.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu - Cố vấn chính sách cao cấp Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em, với nhiều nỗ lực, sau 10 thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành từ hơn 54% xuống còn gần 39%. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng rất cao.

“Kết quả phòng, chống thuốc lá trong 30 năm sẽ bị thiêu rụi trong vòng 3 năm nếu chúng ta cho phép TLĐT, thuốc lá nung nóng vào Việt Nam. Do vậy, chính phủ cần sớm có những chính sách mạnh mẽ để ngăn chặn sự gia tăng này và bảo vệ sức khỏe, giống nòi thế hệ tương lai của đất nước”- bà Thu kiến nghị.

Lê Bảo
Theo Đại Đoàn Kết