Thứ tư, 20/11/2024 | 14:38
RSS

Vì sao miền Trung nhiều quán quân Olympia?

Chủ nhật, 27/10/2024, 12:31 (GMT+7)

Xét về số quán quân, 18 địa phương có quán quân Đường lên đỉnh Olympia. Trong đó, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế dẫn đầu với 3 nhà vô địch...

Võ Quang Phú Đức - Trường THPT chuyên Quốc học Huế giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2024. Ảnh: VTV

Sau trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24 với chiến thắng thuộc về Võ Quang Phú Đức - Trường THPT chuyên Quốc học Huế, một câu hỏi đặt ra là, vì sao học sinh miền Trung là nơi có nhiều gương mặt chinh phục “đỉnh Olympia”?

Miền Trung có 12 nhà vô địch

Tính đến hiện tại, đã có 11/24 nhà vô địch Olympia học trường chuyên. Trong số 24 quán quân, có 4 thí sinh là nữ. Hà Nội là địa phương đứng đầu số lần có điểm cầu trực tiếp với 16 học sinh vào chung kết.

Xét về số quán quân, 18 địa phương có quán quân Đường lên đỉnh Olympia. Trong đó, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế dẫn đầu với 3 nhà vô địch. Hai tỉnh có 2 quán quân Olympia là Vĩnh Long và Quảng Trị.

Thống kê theo vùng kinh tế, xã hội, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 12 nhà vô địch là học sinh của 9 địa phương (chiếm 50% cả nước), Đồng bằng sông Hồng có 7 nhà vô địch của 6 địa phương (29,25%), Đồng bằng sông Cửu Long có 3 nhà vô địch của 2 địa phương (12,5%), Đông Nam Bộ và vùng Trung du và miền núi phía Bắc, mỗi nơi có 1 nhà vô địch và 1 địa phương (4,2%).

Võ Quang Phú Đức mang vòng nguyệt quế báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày trở về trường. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Giàu truyền thống hiếu học

Miền Trung trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là dải đất hẹp của đất nước, phía Tây là dãy núi Trường Sơn và phía Đông là biển Đông. Nơi có thời tiết khắc nghiệt, bão lũ, thiên tai và trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước, nơi đây chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt. Chính vì vậy mà mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nhà yêu nước, nhà quân sự, chính trị tài ba.

Đất thiêng miền Trung sản sinh ra nhiều nhà quân sự, vị vua tài ba. Theo nhiều tài liệu lịch sử, Thanh Hóa là địa phương phát tích nhiều vua chúa nhất nước ta, với 44 đời vua, gồm: Nhà Tiền Lê (2), nhà Hồ (2), nhà Hậu Lê (27), nhà Nguyễn (13) và Chúa tiên Nguyễn Hoàng; vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhà quân sự thiên tài sinh ra tại vùng đất Bình Định…

Về danh nhân văn hóa, Việt Nam được UNESCO vinh danh 7 người, đó là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Lê Hữu Trác thì miền Trung, đất Nghệ - Tĩnh 4 danh nhân (Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và Lê Hữu Trác).

Vùng đất này sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà quân sự, chính trị thiên tài… Đất miền Trung địa linh nhân kiệt này đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều thế hệ Việt Nam tài năng, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… là đất học nên có nhiều học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Cùng với đó, phong trào nghiên cứu khoa học, tham gia thi Đường lên đỉnh Olympia là những hướng mới trong việc tìm kiếm, bồi dưỡng tài năng.

Học sinh THPT của các tỉnh luôn đạt giải cao các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, tiêu biểu là các Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế)…

Trần Vĩnh Khánh - Huy chương Đồng Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2023.

Trong đó, Trường THPT chuyên Quốc học Huế có truyền thống, được thành lập năm 1896, cách đây gần 130 năm. Tại ngôi trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, văn hóa, giáo dục lỗi lạc trong nước và thế giới từng giảng dạy, học tập như: Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Tập, Trần Phú, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Quỳnh, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Điềm Phùng Thị, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu, Huy Cận, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Thương, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân, Trần Hoàn…

Truyền thống này đã truyền lại cho nhiều thế hệ học sinh bước tiếp, giành nhiều giải quốc tế về Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học. Chỉ riêng về Toán, giai đoạn 1978 - 1983, Trường THPT chuyên Quốc học Huế đã có 20 giải quốc tế, tiêu biểu như Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Quốc Tuấn, Lê Bá Khánh Trình, Ngô Phú Thanh, Lê Tự Quốc Thắng…

Trong đó, Lê Bá Khánh Trình và Lê Tự Quốc Thắng đạt điểm tuyệt đối (100% - Gold Medal)… Và những năm gần đây có Đinh Anh Minh (Huy chương Vàng Vật lý), Trương Đông Hưng (Huy chương Vàng Sinh học), Hồ Việt Đức, Trương Văn Quốc Đạt, Hồ Đức Trung (Huy chương Bạc Sinh học)…

Những truyền thống trên cùng với đội ngũ thầy cô chuyên môn giỏi, tâm huyết với học trò, không chỉ giúp các em chinh phục đỉnh cao các môn Toán, Khoa học, mà còn hun đúc nên nhiều học sinh đam mê tìm hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực, chinh phục Đường lên đỉnh Olympia.

Cụ thể có 7 học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế mang cầu truyền hình chung kết Olympia về tỉnh nhà, gồm: Nguyễn Nguyễn Thái Bảo - Á quân năm 2005; Nguyễn Mạnh Tấn - Quý quân (hạng ba) năm 2008; Hồ Ngọc Hân - Quán quân năm 2009; Thái Ngọc Huy - Á quân năm 2011; Hồ Đắc Thanh Chương - Quán quân năm 2016; Nguyễn Minh Triết - Quý quân năm 2023; Võ Quang Phú Đức - Quán quân năm 2024.

Trường THPT thị xã Quảng Trị không phải là một trường chuyên, nhưng là trường THPT chất lượng cao của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có hàng chục học sinh đạt giải quốc gia và có 2 học sinh đạt giải quốc tế (Phạm Huy - giải Ba thi nghiên cứu Khoa học ở Mỹ năm 2017, Trần Vĩnh Khánh - Huy chương Đồng Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2023). Học sinh của trường đã 3 lần mang cầu truyền hình về Quảng Trị đó là, Văn Viết Đức - đoạt Quán quân năm 2016, Lê Thanh Tân Nhật - Á quân năm 2018 và Văn Ngọc Tuấn Kiệt – Quý quân năm 2020.

Khuyến khích tinh thần tự học, chính sách đối với nhà giáo

Có một điểm chung là Trường THPT chuyên Quốc học Huế, Trường THPT thị xã Quảng Trị và nhiều trường khác là thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu và thầy cô hỗ trợ, khuyến khích học sinh, nhà trường đầu tư thư viện, sách tham khảo nhiều lĩnh vực…

Nhà giáo Nguyễn Phú Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế cho biết: “Nhà trường tổ chức cuộc thi Nguyệt quế đỏ tại trường để các thí sinh có cơ hội cọ xát, từ đó các em quen dần với thể thức thi Olympia.

Thí sinh quán quân trường sẽ được các thầy cô tiếp tục bồi dưỡng với nhiều kiến thức”. Trường THPT thị xã Quảng Trị cũng tổ chức ngoại khóa, thi Chinh phục cho học sinh để tham gia thi Chinh phục cấp tỉnh, và từ đó chọn học sinh xuất sắc dự thi Đường lên đỉnh Olympia.

Có thể khẳng định rằng, trong số những em tham gia các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, yếu tố đầu tiên là niềm đam mê, muốn thử sức mình qua các cuộc thi, bởi các em là những học sinh giỏi ở nhiều lĩnh vực. Tiếp đến là công sức bồi dưỡng của các thầy cô ở tất cả các môn Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, công nghệ Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…

Như vậy, ở sân chơi trí tuệ Đường lên đỉnh Olympia, có sự thành công, trước hết chính là sự đam mê, tự học, bản lĩnh thi đấu của học sinh chiếm trên 50%, thầy cô bồi dưỡng góp phần 20 - 30%; nhà trường, gia đình và môi trường học tập, mỗi yếu tố khoảng 10%.

Khoảng năm 2000, khi thảo luận chính sách 70% phụ cấp đứng lớp cho giáo viên giảng dạy các trường chuyên, năng khiếu, dân tộc nội trú và khuyết tật, một số cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, đối với trường chuyên, chỉ phụ cấp cho giáo viên dạy các môn chuyên, còn dạy các môn khác như giáo viên trường thường.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn đề xuất và giữ 70% cho tất cả giáo viên các môn. Và đến nay đã thấy rất rõ giá trị của chính sách này. Học sinh trường chuyên nghiên cứu khoa học, thi Đường lên đỉnh Olympia… mới thấy không chỉ giáo viên dạy chuyên mà giáo viên các môn Công nghệ, Giáo dục công dân cũng tham gia hướng dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học…

Hiện nay, vai trò nhà giáo rất lớn, không chỉ là lực lượng chính đảm bảo chất lượng giáo dục, mà còn là chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, không chỉ được xếp lương cao nhất (như chính sách của Đảng), mà cần được hưởng các phụ cấp khác nhằm giúp nhà giáo yên tâm giảng dạy, giáo dục… đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hồ Sỹ Anh
Theo Giáo dục & Thời đại