Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:01
RSS

Tình trạng 'lạm thu' ở Thanh Hóa vẫn phức tạp

Thứ năm, 31/10/2024, 10:38 (GMT+7)

Dù Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn quy định các khoản thu trong cơ sở giáo dục, nhưng tình trạng 'lạm thu' vẫn diễn ra phức tạp.

Trường Tiểu học Thị trấn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa).

Thu tiền hỗ trợ thi?

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh Trường THPT Đặng Thai Mai (Quảng Xương, Thanh Hóa), năm học mới này, giáo viên thông báo dự trù các khoản đóng góp, trong đó có những khoản thu trái quy định.

Ngoài các khoản thu theo quy định, như: Tiền học phí; bảo hiểm y tế; gửi xe; nước uống; học phẩm; sổ liên lạc điện tử..., phụ huynh còn phải nộp các khoản, gồm: Quỹ hội phụ huynh (được chia thành 3 khoản gồm: Quỹ hội 150.000 đồng; ủng hộ công tác vệ sinh 50.000 đồng; hỗ trợ thi 50.000 đồng); quỹ khuyến học - tự nguyện vận động từ 200.000 đồng; xã hội hóa (tự nguyện) vận động 450.000 - 500.000 đồng; dự kiến quỹ lớp 500.000 đồng...

Điều khá đặc biệt là, trong phiếu dự kiến các khoản thu, có phần lưu ý: “Chỉ lưu hành nội bộ trong giáo viên chủ nhiệm không sao chụp đăng lên các nhóm lớp”.

“Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra công tác thu, chi trong thời gian qua của Trường THPT Đặng Thai Mai. Bởi vì, qua tìm hiểu, chúng tôi biết, theo quy định, kinh phí cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm được ngân sách Nhà nước chi trả. Vậy, tại sao nhà trường lại đưa ra dự kiến khoản thu kỳ lạ đó? Ngoài ra, các khoản gọi là tự nguyện lại được vận động theo mức tối thiểu”, một phụ huynh (đề nghị không nêu tên) phản ánh.

Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Ngọc Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thai Mai cho hay, nhà trường mới họp phụ huynh, đưa ra dự kiến các khoản thu đầu năm học, chứ chưa thực hiện thu khoản nào.

Theo ông Hồng, đối với các khoản thu ngoài ngân sách, là do phụ huynh đề xuất, bàn bạc thống nhất với nhau, nhà trường không thu. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao nhà trường phó mặc cho hội phụ huynh huy động đóng góp cả khoản tiền hỗ trợ thi? Ông Hồng cho hay, nhà trường sẽ yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh không được huy động khoản tiền này.

Khi được hỏi vì sao trong phiếu dự kiến các khoản thu, có phần lưu ý: “Chỉ lưu hành nội bộ trong giáo viên chủ nhiệm, không sao chụp đăng lên các nhóm lớp”, ông Hồng không trả lời.

Phụ huynh học sinh ở Trường Tiểu học Thị trấn, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), phản ánh: Năm học mới 2024 - 2025, nhà trường thông báo các khoản thu, gồm: Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa 700.000 đồng/học sinh/năm; kỹ năng sống 340.000 đồng/học sinh/năm; dạy học làm quen tiếng Anh (khối 1 - 2) 700.000 đồng/học sinh/năm; quỹ phụ huynh trường 50.000 đồng; quỹ phụ huynh lớp 50.000 đồng; quỹ lớp 100.000 đồng; câu lạc bộ chiều thứ 6 là 612.000 đồng, chưa tính các khoản thu theo quy định và phục vụ bán trú...

Bà Lê Thị Hòa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này trường có 1.296 học sinh (29 lớp), trong đó có 19 lớp bán trú. Bà Hòa cũng thừa nhận nhà trường có các khoản đóng góp nêu trên. Hiệu trưởng trường cho rằng, đó là do phụ huynh tự nguyện, nhà trường không ép buộc. “Hiện nay, nhà trường đã tạm dừng các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; kỹ năng sống; làm quen tiếng Anh. Đồng thời, có báo cáo lên Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn xin phê duyệt và ý kiến chỉ đạo của cấp trên”, bà Hòa thông tin.

Bản dự kiến các khoản thu ngoài ngân sách của Trường THPT Đặng Thai Mai (Quảng Xương, Thanh Hóa).

Gánh nặng học thêm, hoạt động liên kết

Đi sâu tìm hiểu, tính toán một cách cơ học, số tiền mà phụ huynh phải đóng góp hàng năm cho các khoản học thêm; các hoạt động liên kết trong trường học không phải là nhỏ.

Nhiều phụ huynh Trường THPT Đặng Thai Mai phản ánh, ngoài các khoản đóng góp trên, nếu tính cả tiền học thêm cho con học ở trường, thì họ phải nộp số tiền khá lớn. Bởi vì, trong tuần, học sinh đều phải học thêm 4 buổi, mỗi buổi 4 tiết, chưa tính các em khối 12 ôn thi vào chiều thứ 7 (mỗi tiết thu 7.000 đồng).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thai Mai lý giải, nhà trường thực hiện dạy thêm vào buổi chiều theo quy định của Sở GD&ĐT. “Đối với học sinh khối 12, ngoài những ngày học thêm vào buổi chiều trong tuần (nghỉ chiều thứ 4), thì các em ôn thi vào buổi chiều thứ 7. Còn khối 10 và 11, học sinh chỉ học thêm 4 buổi/tuần, mỗi buổi 4 tiết”, ông Hồng thông tin.

Điều đáng nói, việc dạy thêm trong nhà trường không đúng quy định theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH, ngày 1/11/2010 của Bộ GD&ĐT, về việc “Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học”. Công văn hướng dẫn như sau: “Đối với cấp THPT buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày”.

Trường Tiểu học Thị trấn (thị xã Nghi Sơn), chỉ tính riêng các khoản: Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (với 1.296 học sinh) dự kiến thu 907 triệu đồng; dạy học làm quen tiếng Anh (khối 1 - 2, với 569 học sinh), dự kiến thu 398 triệu đồng; kỹ năng sống (khối 1 - 2 - 3, với 849 học sinh), dự kiến thu 297 triệu đồng.

Điều đáng nói, để thực hiện dạy học làm quen tiếng Anh (khối 1 - 2) và thu tiền (10.000 đồng/tiết), nhà trường đã ký hợp đồng liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Let’Go (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa). Đối với hoạt động kỹ năng sống (10.000 đồng/tiết), nhà trường ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Big Ben (có địa chỉ tại TP Hà Nội).

Sau khi ký hợp đồng, thực hiện thu tiền, nhà trường được phía công ty trích lại 20%, gọi là chi phí công tác quản lý, bổ sung cơ sở vật chất, điện nước và chi thường xuyên của nhà trường.

“Để ngăn chặn triệt để tình trạng lạm thu, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan có thẩm quyền các khoản thu, mức thu… trước khi triển khai thực hiện... Công khai minh bạch các khoản thu của nhà trường đến học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trước khi thực hiện. Xác minh, xử lý nghiêm (nếu có) người đứng đầu nhà trường thực hiện không đảm bảo quy trình, thu các khoản không đúng quy định”, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết.

Hồng Đức
Theo Giáo dục & Thời đại