Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:00
RSS

Đảm bảo công bằng trong xét tuyển đại học

Chủ nhật, 03/11/2024, 07:12 (GMT+7)

Thời gian qua, việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học năm 2024. Ảnh: Vi Cầm.

Nhằm đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp/phương thức tuyển sinh, Bộ giáo dục Đào tạo (GDĐT) vừa đề xuất các trường đại học (ĐH) sẽ không được công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5.

Bất công giữa các tổ hợp

Tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 vừa diễn ra tại TPHCM, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) nhận định, từ năm 2020 kỳ thi tốt nghiệp THPT càng ngày càng được cải tiến kỹ thuật để công tác tổ chức thi ngày càng được tốt hơn. Tuy nhiên, việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp, nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích tạo tâm lý, hiệu ứng xă hội không tốt cho hàng nghìn thí sinh và phụ huynh.

Cùng với đó, việc thí sinh thích chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH) vì điểm thường cao hơn các môn thuộc bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN), gây mất công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển ĐH. Thống kê cho thấy điểm trung bình các môn KHXH (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) tăng nhẹ hàng năm. Ngược lại, các môn KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) có điểm ổn định và thấp hơn. Đáng lưu ý, những mùa tuyển sinh gần đây, không ít trường ĐH xét tuyển nhiều tổ hợp cho cùng một ngành, song lại lấy cùng mức điểm chuẩn, khiến các thí sinh đăng ký bằng tổ hợp có môn KHTN thua thiệt.

Ông Chương cho rằng, thực tế này xuất phát từ đề thi giữa các năm và giữa các môn KHTN và KHXH không đồng đều dẫn đến tình trạng “lạm phát điểm cao”. Việc xây dựng ngân hàng đề thi trong năm học 2020-2021 gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thí sinh có xu hướng chọn bài thi KHXH, để có lợi thế khi đăng ký xét tuyển ĐH. Để khắc phục bất cập này, đại diện Bộ GDĐT cho hay, đang nghiên cứu để có giải pháp công bằng.

Nhiều lần chia sẻ quan điểm về việc tồn tại nhiều tổ hợp xét tuyển, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phân tích, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, xét tuyển sớm vào ĐH đã trở thành một hình thức được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít thách thức cho học sinh, phụ huynh và nhà trường. Đặc biệt, năm 2025 sẽ là một cột mốc quan trọng khi kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên áp dụng theo Chương trình GDPT 2018. Theo ông Nhĩ, việc tồn tại quá nhiều tổ hợp xét tuyển cũng khiến học sinh khó khăn trong việc chọn lựa. Mặc dù sự đa dạng tổ hợp trên giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn cho học sinh, nhưng nhiều em cũng cảm thấy không biết nên tập trung vào tổ hợp nào để có lợi nhất.

Siết quản lý các kỳ thi đánh giá năng lực

Trước việc nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực và phương thức tuyển sinh sớm, không chỉ đến mùa tuyển sinh 2024 mà từ các năm trước, nhiều chuyên gia đã cảnh báo xét tuyển sớm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ảo cao.

Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) cho biết, năm 2024 nhà trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức này. Từ kết quả tuyển sinh của những năm trước, ông Trung ủng hộ giảm chỉ tiêu đối với các phương thức xét tuyển sớm, trong đó có phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Tỷ lệ thí sinh nhập học vào Trường ĐH Thương mại theo phương thức xét tuyển sớm khoảng 30%, còn 70% là ảo.

Tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 nói trên, ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm yêu cầu đánh giá đúng năng lực học sinh, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời kết quả của kỳ thi cũng làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, có sự phân hóa để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Về tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi khác phù hợp với chương trình GDPT 2018, ông Chương đề xuất tính công bằng trong việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh. Để học sinh không lơ là học tập, Bộ GDĐT đề xuất các trường ĐH sẽ không được công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5. Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... do các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức, Bộ GDĐT sẽ ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lư nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi. Quy trình xây dựng ngân hàng đề; đề thi phải không vượt quá Chương trình GDPT 2018. Điểm này rất quan trọng và để học sinh không phải ôn thi riêng có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông. Quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi; hiện nay mỗi trường đang sử dụng một hình thức khác nhau.

Điều quan trọng hơn, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý cần suy nghĩ thấu đáo về cách thức, phương thức tuyển sinh hiện nay; đồng thời tìm hiểu nguyên nhân vì sao các trường lại xét tuyển sớm và muốn có nhiều phương thức. Từ đó, đề xuất giải pháp phù hợp, nhưng không được ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và đánh giá kết quả THPT. Tinh thần là bảo đảm công bằng, ổn định trên toàn hệ thống.

Vi Cầm
Theo Đại Đoàn Kết