Ngày 2/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội nghị công giới năm 2024. Các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn tại trường.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Vũ Thị Phượng, Giám đốc truyền thông Medlatec tiết lộ: "Mức lương cao dựa vào vị trí công việc, năng lực và một số tiêu chí khác của đơn vị tuyển dụng. Tuy nhiên, những ngành nào lương cao thì yêu cầu chất xám bỏ ra rất nhiều, giá trị của công việc đó tạo ra cho doanh nghiệp và xã hội nhiều.
Theo đánh giá của tôi cũng như nhiều nhà tuyển dụng, ngành nghề lương cao tạo ra bước đột phá hiện nay là Tài chính và công nghệ thông tin".
Hội nghị công giới năm 2024 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tào Nga
Bà Phượng chia sẻ thêm, hiện nay, việc tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp thường dựa vào bộ khung chung gồm 4 yếu tố: chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng mềm, trải nghiệm.
Nếu ở giai đoạn trước, những ứng viên mạnh về chuyên môn thường có điểm cộng rất lớn trong quá trình tuyển dụng thì giờ đây, bên cạnh chuyên môn, các doanh nghiệp còn đề cao yếu tố kinh nghiệm và kỹ năng mềm.
Hiện nay, kỹ năng mềm quyết định rất nhiều đến thành công của một người trong công việc. Không chỉ dừng lại ở kỹ năng giao tiếp, yêu cầu về kỹ năng mềm giờ đây đã mở rộng, bao gồm cả kỹ năng sử dụng AI như một công cụ làm việc, phải thành thạo tiếng Anh, có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm... Vì thế trong quá trình học, nếu sinh viên không tự lên cho mình một lộ trình đào tạo và trau dồi kinh nghiệm, đến khi ra trường sẽ rất dễ "trượt dài" trên hành trình xin việc.
Để chuẩn bị tốt nhất cho sinh viên đáp ứng tiêu chí của nhà tuyển dụng, TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay: "Năm 2023-2024, trường đã đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ khóa 66 (tuyển sinh năm 2024) môn học "Khoa học dữ liệu cơ bản trong kinh tế & kinh doanh - 3 tín chỉ" với nội dung đào tạo phù hợp với sinh viên từng nhóm ngành đào tạo. Môn học sẽ trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho sinh viên về dữ liệu, công nghệ, kỹ thuật,…
Nhiều doanh nghiệp cho biết, nhà trường cần phải tạo điều kiện cho người học có thể vừa học, vừa "thực chiến" trong thị trường lao động. Ảnh: Tào Nga
Trường đã nghiên cứu và tích hợp nhiều phần mềm vào giảng dạy và học tập (giảng viên, sinh viên được cấp tài khoản): Phần mềm quản trị tổng thể danh cho doanh nghiệp (Company Management); Phần mềm Giải pháp kế toán (AccountingSuite); Nền tảng công nghệ Enterprise;… Đầu tư mua khoảng 20 phần mềm với kinh phí hàng chục tỷ đồng để phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, trường cũng xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo các khóa đào tạo ngắn hạn về Khoa học dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho sinh viên (các khóa học có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như VNPT AI, …): "Khoa học dữ liệu và AI cơ bản"; "Phân tích dữ liệu kinh doanh"; "Báo cáo và trực quan hóa dữ liệu kinh doanh",… các khóa đào tạo thu hút hàng trăm sinh viên các khối ngành kinh tế, kinh doanh và tài chính".
TS Lê Anh Đức cũng thông tin, trường đẩy mạnh nâng cao chuẩn đầu vào thông qua việc tuyển sinh thu hút các sinh viên có năng lực xuất sắc (thuộc tốp 10% giỏi nhất cả nước); ưu tiên sinh viên có kỹ năng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế (năm 2024 70% sinh viên có chứng IELTS >= 5.5 và điểm đầu vào >= 26 điểm).
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ, trường yêu cầu với sinh viên trước khi tốt nghiệp phải đạt 5.5 với các Chương trình đào tạo chuẩn tiếng Việt; 6.0 và 6.5 với các chương trình đào tạo tiếng Anh.
Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT của một công ty chuyên về dệt may, cho hay các doanh nghiệp rất thích các ứng viên có khả năng "thực chiến". Do đó, nhà trường cần phải tạo điều kiện cho người học có thể vừa học vừa "thực chiến" trong thị trường lao động.