Thứ năm, 21/11/2024 | 19:02
RSS

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: Phù hợp định hướng chương trình mới

Thứ ba, 05/11/2024, 16:58 (GMT+7)

Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến có điểm mới đáng chú ý.

Bỏ quy định cộng điểm nghề để xét tốt nghiệp THPT là phù hợp với định hướng của Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN

Đó là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Điều này phù hợp với định hướng của Chương trình GDPT 2018 khi học sinh không còn tham gia học nghề phổ thông để lấy chứng chỉ sơ cấp nghề như Chương trình GDPT 2006.

Thay tên, đổi họ

Thầy Thạch Cảnh Bê - Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết: “Khác với Chương trình GDPT 2006, Chương trình GDPT 2018 không còn 105 tiết nghề phổ thông. Chương trình học không có nội dung học các nghề phổ thông, không có đơn vị nào tổ chức dạy nên không có học sinh nào học nghề”.

Trước đây, với Chương trình GDPT 2006, học sinh Trường THPT số 2 Đức Phổ sẽ chọn đăng ký theo học một số nghề như Tin học, Điện, Thú y ngay tại trường. Kết thúc khóa học, em nào có nguyện vọng đăng ký thi để lấy chứng chỉ thì sẽ tham gia dự thi. “Tỷ lệ học sinh tham gia dự thi đạt từ 98 - 100%. Nhà trường đủ năng lực để tổ chức thi cấp chứng chỉ nghề nên các em rất thuận lợi khi dự thi ngay tại trường.

Một số trường khác, học sinh có thể dự thi tại trung tâm GDTX - hướng nghiệp hoặc thi ghép với trường có tổ chức thi”, thầy Bê thông tin. Khóa thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua, Trường THPT số 2 Đức Phổ có gần 15% học sinh phải sử dụng điểm cộng của chứng chỉ nghề phổ thông để xét tốt nghiệp mới đủ điểm đỗ.

Chương trình GDPT 2018 không còn phần học nghề phổ thông. Một số nội dung của chương trình nghề phổ thông được lồng ghép và tích hợp vào môn học Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp và giáo dục địa phương.

Chia sẻ của thầy Phạm Đình Kha - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng): “Đây sẽ là những môn học giúp học sinh định hướng và trải nghiệm nghề nghiệp, phục vụ công tác phân luồng sau THPT. Chương trình đã thay đổi, học sinh không học nghề phổ thông, không tham gia thi lấy chứng chỉ nghề thì bỏ cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT là phù hợp thực tiễn”.

Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết, số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là khóa cuối cùng có chứng chỉ nghề THPT nếu các em có đăng ký dự thi nghề phổ thông. Với Chương trình GDPT 2018, không có nội dung giáo dục nghề phổ thông như trước đây. Các trung tâm GDTX hiện nay chỉ có chức năng dạy nghề cho cộng đồng và nghề cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên.

Sinh hoạt CLB Tiếng Anh Trường THPT Võ Chí Công (Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Thiệt thòi cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên

Ông Đinh Lương Y - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 (Đà Nẵng) cho rằng, nếu không cộng học nghề trong xét tốt nghiệp THPT thì sẽ thiệt thòi cho những học sinh đang theo học hệ giáo dục thường xuyên.

Với học sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, ngoài học văn hóa, đều được Trung tâm vận động lựa chọn một nghề cụ thể. “Các em được miễn phí khi tham gia học nghề. Đây cũng là cơ sở để cộng điểm thi tốt nghiệp THPT; qua đó dần định hướng nghề nghiệp cho các em.

Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã chọn tiếp tục học nghề để ra trường phụ giúp gia đình. Do đó, lựa chọn học tại trung tâm cũng được nhiều phụ huynh cân nhắc vì các em đồng thời có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT sau 3 năm học”, ông Y phân tích.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 hiện có 532 học viên học tại 27 lớp trung cấp nghề miễn phí theo chương trình liên kết với trường cao đẳng nghề. Trong đó, lớp Chế biến món ăn được học sinh lựa chọn theo học đông nhất với 238 học viên, tiếp đó là công nghệ thông tin với 127 học viên.

Một số ngành nghề được học sinh chọn theo học như Quản trị khách sạn, Hướng dẫn du lịch Kế toán doanh nghiệp, Điện dân dụng, Công nghệ ô tô, Quản lý bán hàng siêu thị, Nghiệp vụ bán hàng… Số học viên chọn theo học thêm trung cấp nghề của năm học 2023 - 2024 tăng 143 em so với năm học 2022 - 2023, tỷ lệ 26,9%. Niên khóa 2021 - 2024 có 88 học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, trong đó có 56 em đạt loại giỏi, 29 học sinh đạt loại khá…

Học sinh hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm GDTX - hướng nghiệp vừa đáp ứng đầy đủ các môn của Chương trình GDPT 2018 vừa học chương trình nghề như một học viên trung cấp nghề. Theo ông Đinh Lương Y, dù đã giảm tải chương trình, học sinh hệ giáo dục thường xuyên chỉ học 7 môn nhưng khi thi tốt nghiệp THPT thì các em thi chung một đề, không khác gì học sinh phổ thông. Nếu không cộng điểm khuyến khích nghề thì học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thiệt thòi vì đầu vào của các em không bằng học sinh phổ thông được.

Ông Đinh Lương Y - Giám đốc Trung tâm GDTX số 2 (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung thêm phần điểm khuyến khích tại Điều 44 như sau: Học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình Trung cấp nghề kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có Bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề do các trường trung cấp, cao đẳng cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong Bằng tốt nghiệp trung cấp như sau: Xếp loại Xuất sắc, loại Giỏi được cộng 2,0 điểm; Xếp loại Khá được cộng 1,5 điểm; Xếp loại Trung bình được cộng 1,0 điểm.

Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại