Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (ảnh IT).
Liên quan dự thảo Nghị quyết của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số tội trong Bộ luật Hình sự, trong đó có tội dâm ô với trẻ em, một số quy định khiến nhiều người cảm thấy lo ngại như việc sờ vùng mặt, đầu, đùi, mông... của trẻ em cũng có thể bị coi là hành vi dâm ô. Để hiểu rõ hơn, PV Dân Việt đã trao đổi với Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, hiện ông là Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội.
Thưa ông, khi đọc dự thảo Nghị quyết hướng dẫn của TAND Tối cao, nhiều người lo ngại khi những hành vi như sờ đầu, vùng mặt của trẻ em cũng trở thành hành vi của tội dâm ô, là người từng làm công tác tố tụng nhiều năm ông thấy sao?
- Về bản chất pháp lý, yếu tố khách quan của tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi (gọi là trẻ em) là hành vi nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tình dục của người thực hiện nhưng không bằng cách sử dụng bộ phận sinh dục. Nếu sử dụng bộ phận sinh dục để quan hệ với bộ phận sinh dụng trẻ em hoặc dùng bộ phận sinh dục bắt trẻ em ngậm, mút…thì đó là hành vi của tội phạm khác.
Về mặt khách quan, việc liệt kê các hành vi như dự thảo Nghị quyết của TAND Tối cao là đúng. Còn để định tội thì không chỉ căn cứ vào hành vi khách quan mà còn căn cứ vào các yếu tố khác. Chính vì thế trong Bộ luật Hình sự mới quy định 4 yếu tố cấu thành tội phạm (mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể của tội phạm)
Thứ nhất là khách thể của tội phạm, trở lại với vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh (Đà Nẵng) ôm hôn cháu bé trong thang máy ở chung cư thuộc Quận 4- TP.HCM. Rõ ràng ông và cháu bé đó không có quan hệ gì về mặt gia đình, ông làm như vậy là hoàn toàn sai. Điều này hoàn khác với câu chuyện một người đi vào thang máy gặp cháu nội đi học về, họ ôm cháu, vỗ vai, vuốt má hỏi cháu hôm nay thế nào?
Vấn đề thứ hai là mặt khách quan của tội phạm, đó là những biểu hiện của tội phạm, như trong dự thảo Nghị quyết đã nêu các hành vi cụ thể của dâm ô trẻ em, chẳng hạn: Sờ, bóp, hôn vào nhũng bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi…
Vấn đề thứ ba là ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi đó, trong ý thức chủ quan gồm có lỗi, mục đích, động cơ. Lỗi có lỗi trực tiếp, lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý do quá tự tin, lỗi vô ý do cẩu thả. Động cơ phạm tội là cái thôi thúc tội phạm thực hiện hành vi phạm tội để đạt được mục đích của mình.
Về mục đích, nghĩa là người thực hiện hành vi đó nhằm mục đích gì. Ví dụ, việc anh sờ đầu, vuốt má, sờ mông, đùi một cháu bé có phải nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình không. Trường hợp, một người gặp cháu nội đi học về, họ ôm hôn, vuốt má, xoa đầu cháu, đó là biểu hiện tình cảm ông –cháu, nó hoàn toàn khác với một người lạ thực hiện hành vi đó với cháu.
Vấn đề thứ tư là khách thể của tội phạm, nghĩa là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.
Trong dự thảo Nghị quyết hướng dẫn của TAND Tối cao liệt kê các hành vi của tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi như vậy, nhưng chỉ căn cứ vào mỗi hành vi đó mà coi là tội phạm thì chưa đủ, để kết tội một con người phải căn cứ và 4 yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo quy định như trong dự thảo Nghị quyết, một người bình thường gặp một cháu bé lạ mặt trông đáng yêu, muốn “nựng” cháu bằng cách xoa đầu, vỗ má thì không được phép thưa ông?
- Ông không được làm, vì ông không quen biết gì đâu. Trong trường hợp quen biết cũng không được làm, tránh việc lợi dụng. Trong ứng xử xã hội mọi người phải cận trọng với hành vi của mình. Trong ứng xử xã hội, chúng ta có nhiều cái thái quá, thậm chí do thái quá dẫn đến việc lạm dụng, điều này khi xem câu chuyện chen chúc trên xe buýt thấy rõ, rất nhiều trường hợp nam giới lợi dụng đông đúc để chạm vào vùng nhạy cảm của phụ nữ.
Việc TAND Tối cao đăng dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến rộng rãi cũng là dịp để người dân xem xét từ đó điều chỉnh hành vi của mình thưa ông?
Đây là điều rất cầu thị của TAND Tối cao, việc đăng dự thảo Nghị quyết rộng rãi là để toàn dân, những chuyên gia pháp luật góp ý. Góp ý xong, tổng hợp ý kiến, qua mổ xẻ, phân tích xem ý kiến nào đúng để tiếp thu. Còn trong việc làm luật hôm nay dự kiến đưa ra thế này, nhưng đến giai đoạn cuối lại thay đổi là việc rất bình thường, mà phải như vậy, như thế mới thể hiện việc lắng nghe ý kiếp góp ý. Ý nghĩa thứ hai, qua đó cũng là để phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân để biết mà tránh.
Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi: a) Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi; b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn... vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác; c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...). Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ: qua lớp quần áo). (Trích Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự) |