Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:54
RSS

Tuân thủ những nguyên tắc này, bệnh nhân ung thư trực tràng sống khỏe đến tuổi 70

Thứ năm, 02/03/2017, 07:20 (GMT+7)

Hầu hết dấu hiệu sớm của bệnh ung thư đại trực tràng đều không được chú ý nên rất nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn, không thể cứu chữa.

Ung thư đại trực tràng (còn có tên gọi khác là ung thư ruột già) phát khởi từ lớp mô lót mặt trong của ruột dạng polyp (chồi thịt có cuống), lớn dần sẽ nhô ra trong lòng ruột. Khi phân đi qua cọ vào khối bướu và gây chảy máu, tới một điểm nhất định thì bít lòng ruột gây tắc.

Trả lời trên Tri thức trực tuyến, TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt Hà Nội cho biết nguyên nhân chính thức gây ra căn bệnh này vẫn chưa được tìm ra. Trong khi đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu về bệnh là yếu tố quyết định việc điều trị. Tuy nhiên, hầu hết dấu hiệu sớm của ung thư đại trực tràng đều không được chú ý, vì vậy, rất nhiều các trường hợp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn.

Dấu hiệu nhận biết sớm của ung thư trực tràng

  • Táo bón
  • Đi ngoài phân nhỏ
  • Đi ngoài ra máu
  • Co thắt dạ dày
  • Cân nặng giảm bất thường

Vị trí của trực tràng trong cơ thể người. Ảnh: sức khỏe Đời Sống

Nguyên tắc “vàng” giúp bệnh nhân sống khỏe

Trả lời trên Trí thức trẻ, PGS.TS Bùi Công Toàn – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, tại bệnh viện có không ít bệnh nhân phát hiện ung thư đại trực tràng cách đây hơn 20 năm và khi tuân thủ đúng phác đồ điều trị đã sống khỏe mạnh. Nhiều người bệnh phát hiện bệnh khi ngoài 50 tuổi, đến nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn sống khỏe.

Ví dụ điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thanh B. (67 tuổi, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc), phát hiện bệnh ung thư đại trực tràng khi đó là 51 tuổi. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn về quá trình điều trị, cũng như tuân thủ đúng phác đồ điều trị sau thời gian phẫu thuật, đến nay sau gần 20 năm, bệnh nhân vẫn sống khỏe và sinh hoạt bình thường.

Được biết, bệnh nhân B. đến viện khám vì có những dấu hiệu như đi ngoài lỏng, điều trị nhiều ngày không thuyên giảm, thậm chí còn phát hiện có máu tươi ra ngoài cùng phân. Sau khi đến viện, các bác sĩ tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm kết quả cho thấy bệnh nhân đã bị ung thư đại trực tràng.

Ngay sau khi thông báo kết quả, cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân điều “sốc”, thậm chí còn xin bệnh viện cho về tự điều trị. Tuy nhiên, do bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn sớm, còn khả năng điều trị, các bác sĩ đã động viên, giải thích về phương pháp điều trị. Sau một thời gian, bệnh nhân đồng ý điều trị theo phác đồ của bệnh viện đó là hóa trị, xạ trị sau đó là phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật bệnh nhân tiếp tục được hóa, xạ trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư tái phát. Đến nay, sau 16 năm điều trị, hàng năm bệnh nhân vẫn đi khám lại theo định kỳ nhưng tuyệt nhiên không phát hiện tế bào ung thư tái phát.

PGS Bùi Công Toàn cho rằng nhiều người bệnh phát hiện sớm, tuân thủ điều trị sống khỏe sau nhiều năm mắc ung thư

Phát hiện sớm + Tuân thủ điều trị = Thành công

Thực tế, những trường hợp như bệnh nhân B. không phải là ít gặp, đặc biệt là với những bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bệnh viện.

PGS Bùi Công Toàn cho biết, trước đây nếu chỉ áp dụng phương pháo phẫu thuật tức là cắt bỏ đi khối u ác thì những tế bào ung thư rất nhỏ vẫn còn tồn tại trong cơ thể và có thể di căn, sinh sôi ở những nơi khác trong cơ thể. Vì vậy, chỉ phẫu thuật không trong điều trị ung thư không mang lại cơ hội sống nhiều cho bệnh nhân.

Việc áp dụng 3 phương pháp hóa trị, xạ trị trước khi phẫu thuật và cả sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư như một thế kiềng 3 chân, hỗ trợ lẫn nhau rất hiệu quả trong điều trị. “Khối u thì sẽ phẫu thuật cắt đi, chỗ hạch không cắt đi toàn bộ được thì sẽ xạ trị và toàn thân sẽ điều trị bằng hóa chất”, PGS Toàn nói.

PGS. Toàn cho biết thêm, đối với căn bệnh ung thư đại trực tràng kể cả khi phát hiện ở giai đoạn muộn, có trường hợp di căn vào gan, thậm chí, di căn lên cổ, nếu tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh vẫn có cơ hội kéo dài sự sống. Những kết quả này đã được các bác sĩ Việt Nam thực hiện nghiên cứu qua nhiều năm và được bảo vệ trong nhiều đề tài nghiên cứu.

Một vấn đề được khá nhiều người băn khoăn khi điều trị ung thư, đó là tác dụng phụ của xạ trị, hóa chất. Về vấn đề này, PGS Toàn cho rằng, trong quá trình thực hiện hóa, xạ trị, có thể có những tác dụng phụ không mong muốn như: Người bệnh có thể bị ảnh hưởng các chức năng tim, gan…. Nhưng, tất cả những điều này đều được lường trước theo sự tính toán của người thầy thuốc và không ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.

Cuối cùng, PGS. Toàn khẳng định, ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng hiện không còn là nỗi đáng sợ. Điều quan trọng là không được đầu hàng. Nếu phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh, sống khỏe tới già.

An Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus