Nhổ răng làm đứt mạch máu
Khi trẻ đến thời điểm thay răng sữa, các bậc phụ huynh vẫn có thể cân nhắc có nên nhổ ngay tại nhà hay không. Theo các bác sĩ nha khoa, trong một số trường hợp các bậc phụ huynh vẫn tự nhổ răng cho trẻ được mà không cần phải đến phòng khám. Tuy nhiên, việc nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ cần được lưu ý để nhổ răng không nhiễm trùng và không ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn của trẻ.
Phát biểu trên báo Phụ nữ TP.HCM bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt BV NĐ1 cho biết tự nhổ răng tại nhà không tiết kiệm được bao nhiêu tiền bạc và thời gian, nhưng lại có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Một trong số bệnh nhi suýt chết do tự nhổ răng sữa là bé trai L.T.T., ba tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long. Răng sữa số 4 ở hàm dưới của bé T. bị lung lay, tưởng con tới tuổi thay răng, mẹ bé khuyên con ráng đẩy cho chiếc răng rớt ra. Khi vừa rút chiếc răng ra, máu từ chân răng phun vọt. May mắn là nhà của bệnh nhi ở ngay cạnh cơ sở y tế nên bé T. được cấp cứu bằng sáp cầm máu rồi tức tốc chuyển lên BV NĐ1.
Xem kết quả chụp X-quang, BS Đẩu phát hiện răng của bệnh nhi có điều bất thường. Đây là một trường hợp bị bệnh lý u máu xương hàm. Xương hàm dưới của bé bị hủy, tạo thành những hốc chứa nhiều mạch máu dị dạng, chiếc răng kia mọc ngay trên hốc mạch máu này nên bị lung lay. Gia đình nhầm tưởng con chuẩn bị thay răng nên tự ý nhổ bỏ. Chiếc răng sữa bị giật ra làm đứt búi mạch máu phía dưới, dẫn tới tình trạng chảy máu ồ ạt.
Cách đây không lâu, BS Đẩu cũng tiếp nhận một ca chảy máu ồ ạt tương tự do nhổ răng tại nhà. Bệnh nhi tên N.T.H., 10 tuổi, quê Sóc Trăng. Răng số 5 hàm dưới phía bên phải của bé H. lung lay, người nhà bảo bé cố lay cho chiếc răng dễ nhổ nhưng khi bé ấn vào chiếc răng này thì máu chảy nhiều bất thường.
Nhận thấy không ổn, cha của bé liền đưa con tới BV. Tại BV, các BS dù đã tiên lượng đây có thể là ca u máu xương hàm nhưng vẫn bị… hoảng hốt vì vừa nhấc chiếc răng lên, máu từ nướu phụt ra rất mạnh. “Em bé may mắn đã được đưa tới BV sớm. Trường hợp này nếu để ở nhà, chắc chắn trở tay không kịp, khó tránh khỏi tử vong do mất máu” - BS Đẩu nhận định.
Nếu không yên tâm trong việc nhổ răng cho bé tại nhà, tốt nhất cha mẹ nên đưa con đến gặp nha sĩ
Nhiều trẻ cấp cứu trong đêm
Cách đây gần một tuần, BS Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng - Hàm - Mặt BV NĐ1 cũng tiếp nhận một trường hợp nguy kịch do tự nhổ răng. Bệnh nhi là một bé gái năm tuổi, ngụ tại Q.10, TP.HCM, được đưa tới cấp cứu trong đêm. Trước giờ đi ngủ, thấy răng cửa hàm dưới của con lung lay nên cha bé quyết định… tự làm “bác sĩ”.
Ông lót bông gòn, bọc vào chiếc răng sữa và giật ra. Do hành động không dứt khoát nên chiếc răng gãy, bé bị chảy nhiều máu, phải đưa tới BV. “Tôi đang trực thì nhận được điện thoại từ khoa Cấp cứu, chạy sang thì thấy miệng bệnh nhi vẫn dính một phần răng và xương ổ răng, máu chảy ướt cả áo” - BS Hằng kể.
Theo các BS, tự ý nhổ răng ở nhà rất nguy hiểm, do trẻ có thể bị nhiễm trùng. Hơn nữa, phụ huynh không hiểu về cấu trúc của chiếc răng nên nhổ không đúng hướng. Có trường hợp bệnh nhi bị cha/mẹ giật luôn cả khối mầm răng ra ngoài, khiến răng không thể mọc nữa.
BS Hằng kể, có một bé gái bị cha nhổ nhầm răng. Chiếc răng cần nhổ mọc kế bên răng cửa, răng cửa của bệnh nhi đã thay rồi. Do không biết cách, cha của bé bọc miếng bông gòn quá to, lúc giật ra thì túm luôn cả chiếc răng cửa bên cạnh.
Sau khi nhổ răng sữa, cha mẹ nên hướng dẫn con cách chăm sóc răng miệng cẩn thận
Ngoài những “tai nạn” vừa kể, việc tự nhổ răng ở nhà còn đe dọa tính mạng đối với nhóm trẻ có bệnh lý về máu. Nếu trẻ mang trong mình bệnh thalassemia, hemophilia, xuất huyết giảm tiểu cầu, u máu xương hàm mà phụ huynh không biết, khi nhổ răng, máu sẽ chảy ồ ạt, trẻ có thể tử vong. Mỗi năm, BS Đẩu và BS Hằng gặp từ 15-20 ca bị biến chứng do nhổ răng sữa tại nhà.
Lưu ý sau khi nhổ răng sữa cho trẻ
Chú ý: Nếu như bố mẹ không an tâm về cách nhổ răng sữa tại nhà cho bé thì tốt nhất nên đưa con đến các trung tâm nha khoa.