Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:11
RSS

Tử tù trốn khỏi khu biệt giam: Kỳ công như Phước "tám ngón" đào tẩu khỏi khám Chí Hòa

Thứ năm, 14/09/2017, 15:53 (GMT+7)

Phước "tám ngón" là tướng cướp khét tiếng tại miền Nam, bị tử hình năm 1998. Tướng cướp này từng đào tẩu khỏi "khám" Chí Hòa, trại giam được cho là "kiến bò không qua, ruồi bay không lọt".

Sự kiện:

Phước tám ngón

Phước "tám ngón" ở buồng biệt giam (Ảnh Internet)

Tướng cướp máu lạnh, bắn trước cướp sau

Nhắc tới tên Phước “tám ngón” thì không chỉ dân lành mà đám anh chị giang hồ cộm cán ở Sài thành cũng tim đập chân run bởi hắn là một tên giang hồ máu lạnh, giết người không chút gớm tay. 

Phước “tám ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1972, trong một gia đình nghèo khó ở Dĩ An (Thuận An, Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Ngay từ thuở thơ bé, Phước đã tỏ ra là một đứa trẻ ngỗ ngược, khó bảo, thích cuộc sống lang thang, phiêu bạt. 

Sở dĩ mọi người gọi hắn với biệt danh “tám ngón” là bởi bàn tay trái của hắn bị chém lìa ngón cái và ngón chỏ. Có nhiều đồn thổi xung quanh biệt danh “tám ngón” của Phước. 

Người thì kể rằng hắn bị mất 2 ngón tay trên trong một lần huyết đấu với một băng nhóm khác để tranh cướp địa bàn. Người khác thì kể, khi tuổi mới 14, 15, bởi hay bỏ nhà đàn đúm cùng đám bạn hư hỏng, một lần về nhà, Phước đã bị mẹ mình hết lời la mắng. 

Bực mình, dọa mẹ, Phước đã kê tay lên miếng gỗ rồi vung dao chém lìa hai ngón tay đó. Thấy hành động khùng điên ấy của con, mẹ Phước khi đó đã hiểu rằng, con trai mình là thằng không thể nào trị nổi.

Mỗi lần dạt nhà đi bụi, để có tiền tiêu xài, xúm xít đánh đu cùng đám con gái mắt xanh mỏ đỏ ở khắp các hộp đêm ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Biên Hòa (Đồng Nai)… Phước cùng đám bạn du thủ du thực của mình đã gây ra hàng loạt những vụ trộm, cướp. 

Năm 1988, tuy vẫn ở tuổi vị thành niên nhưng Phước đã bị Tòa án nhân dân quận Gò Vấp (TP.HCM) tuyên phạt 36 tháng tù giam. 

Phuoc tam ngon

Phần mộ Phước "tám ngón" tại trường bắn Long Bình (Ảnh internet)

Vừa mới ra tù, ngựa quen đường cũ, Phước “tám ngón” lại tái phạm tội lỗi trước đây và tiếp tục bị Công an Bà Rịa- Vũng Tàu bắt và bị đưa đi cưỡng bức lao động. Thế nhưng, lúc này, chán cảnh tù túng, Phước đã liều mình trốn khỏi nơi tập trung cải tạo.  

Ra ngoài xã hội như chim xổ lồng, ngay lập tức Phước tụ tập đàn em rồi vũ trang súng ống, gây ra hàng loạt vụ cướp, giết khiến người dân sống trong hoảng loạn. Cứ nơi nào băng nhóm của Phước “tám ngón” xuất hiện là nơi đó có tiếng súng nổ, có cảnh máu chảy, lệ rơi.

Sự tàn bạo, máu lạnh của Phước và đồng bọn được đúc kết bằng một câu nói mà bất cứ ai nghe cũng sởn da gà kinh khiếp: “Bắn trước, cướp sau”. Nhiều nạn nhân của băng nhóm này đã kể lại rằng, khi gặp toán cướp mà thằng nào thằng nấy đều lăm lăm súng trong tay đó, nhiều người đã quỳ lạy, van xin nhưng Phước vẫn lạnh lùng ra lệnh cho đồng bọn hoặc tự mình nổ súng. 

Chỉ khi nào thấy con mồi nằm bất động trên vũng máu tươi thì chúng mới thực hiện mục đích cướp đồ của mình. 

Ủ mưu đào tẩu

Bởi những tội ác kinh hãi mà Phước “tám ngón” cùng đồng bọn đã gây ra nên công an các tỉnh trên địa bàn mà băng nhóm này hoạt động đã khẩn trương khoanh vùng, vây giáp. Thình lình xuất hiện, gây án dã man rồi lặn mất tăm nhưng chỉ hơn một năm sau (1993), trước sự truy lùng ráo riết của công an, Phước đã bị bắt. 

Tháng 6/1994, với những tội ác tày trời mà mình đã gây ra, Phước “tám ngón” bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án tử hình.

Bị bắt, bị tuyên án tử hình nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở đây thì giang hồ Sài Gòn cũng chỉ xếp Phước vào hạng tép riu, giang hồ cỏ, không có gì đáng nói. Thế nhưng, khi Phước “bốc hơi” khỏi trại giam Chí Hòa, rồi “trở lại lợi hại hơn xưa” mới khiến nhiều người kinh khiếp, e ngại. 

Cần phải nói rõ rằng, Trại giam Chí Hòa (người Sài Gòn thường gọi là khám Chí Hòa) có 3 tầng lầu. Trại giam được người Pháp xây từ năm 1943, theo thiết kế của một nhóm kiến trúc sư người Nhật. 

Chí Hòa

Khám Chí Hòa như trận đồ bát quái nơi "con ruồi bay không lọt" (ảnh Internet)

Tổng thể kiến trúc khu trại là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch. Mỗi cạnh của trận đồ ấy đều được xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt. Mỗi khu có 4 buồng giam. Trại giam từng được mệnh danh là “lò bát quái” chỉ có đường vào chứ không có… lối ra này từ khi được xây dựng tới nay chỉ có 2 trường hợp tù nhân đào tẩu thành công và được coi là sự kiện hi hữu. 

Trường hợp thứ nhất là vào năm 1945, những người cộng sản đã lợi dụng sự kiện Nhật đảo chính Pháp để tổ chức cướp trại, tổ chức giải thoát cho tù chính trị bị giam cầm nơi đây. Trường hợp thứ hai, xảy ra đúng 50 năm sau và người đã đào thoát khỏi “lò bát quái” này một cách ngoạn mục không ai khác chính là Phước “tám ngón”.

Sau khi bị tuyên án “tựa cột”, như nhiều tử tội khác, Phước được đưa vào phòng biệt giam riêng để chờ ngày ra trường bắn. Thế nhưng, không như những phạm nhân ngoan ngoãn nằm chờ “thần chết” đến gõ cửa bắt đi, Phước luôn nung nấu trong đầu ý định vượt ngục dù biết, việc đó khó chẳng khác gì bắc thang lên leo tuốt lên trời. 

Chi Hoa

Bên trong khám Chí Hòa (ảnh Internet).

Kiên trì cưa cùm sắt bằng lưỡi dao lam và làm mục tường xây bằng nước

Để thực hiện kế hoạch đó của mình, Phước đã xây dựng một kịch bản vô cùng hoàn hảo mà khi nghe lại, nhiều người đã há hốc mồm kinh ngạc. 

Việc đầu tiên, để giải phóng đôi chân khỏi chiếc cùm chữ U được làm bằng sắt phi 10, Phước đã làm quen với một phạm nhân lao động tự giác trong trại để xin phạm nhân này một lưỡi dao lam với lý do là để cạo râu, khi xuống suối vàng cho gọn gàng sạch sẽ. 

Những ngày tiếp sau, Phước nài nỉ phạm nhân này cho mình thêm chiếc bật lửa, cũng với lý do là để đốt thuốc tiêu sầu trong những ngày chờ chết. Lời lẽ ngon ngọt, lại thêm việc nghĩ trước sau gì thì Phước cũng chết nên phạm nhân này đã cố gắng đáp ứng những yêu cầu trên của Phước.

Có được những bảo bối trên, Phước bắt đầu thực hiện hành vi trốn trại khó tin của mình. Cứ đêm đến, khi mọi người yên giấc thì Phước lặng lẽ ngồi dậy, co bụng úp mặt xuống cổ cổ chân dùng lưỡi dao lam cưa cùm. Hết đêm này qua đêm khác, Phước lặng lẽ cưa, mỗi đêm một ít. 

Cưa được đến đâu thì Phước lại dùng lửa đốt nhựa từ cúc áo miết vào vết cưa đó cho thật kín để che mắt quản giáo. Bởi thế, hằng ngày vẫn vào tháo cùm để Phước đi vệ sinh, tắm rửa mà chẳng cán bộ quản giáo nào hay biết còng chân đã bị Phước cưa sắp đứt. 

trường bắn Long Bình

Bãi tha ma trường bắn Long Bình, nơi Phước "tám ngón" kết thúc cuộc đời tội lỗi.

Một đêm cuối tháng 3/1995, lợi dụng lúc các phạm nhân khác đang say giấc, Phước đã bẻ chiếc cùm mà mình đã cưa sắp đứt ấy để bỏ trốn. 

Phước trốn qua đường nhà vệ sinh. Khi bị bắt trở lại, Phước khai nhận là khi được cán bộ dẫn đi vệ sinh (cũng ở trong buồng giam), bởi nung nấu ý định trốn trại, Phước đã để ý thấy phần tường của nhà vệ sinh đó ẩm, mục. Để bức tường đó vữa thêm, mỗi lần được giải thoát đôi chân, Phước thường cố ý hắt thêm nước vào chỗ đó. 

Do vậy, khi bẻ cùm thoát ra, với thanh sắt bẻ được cũng ở khu vệ sinh này, Phước đã mài nhọn rồi tỉ mẩn đục tường. Đục đến đâu Phước nhanh chóng thu dọn chiến trường ngay đến đó. Vôi vữa thì hắn thả xuống hố tiêu, xả nước cho thoát hết. Gạch thì hắn giữ lại, lặng lẽ xếp vào nơi mình bị cùm rồi phủ chăn lên hệt như người đang nằm ngủ. 

Đục xong lỗ thoát thân ấy, Phước nhanh chóng trườn ra. Thoát khỏi buồng biệt giam, nhưng chưa ra khỏi “lò bát quái”, Phước tính cách vượt tường. 

truong ban Long Binh

Bãi tha ma trường bắn Long Bình, nơi Phước "tám ngón" kết thúc cuộc đời tội lỗi.

Trộm xe đạp, cảnh phục của cán bộ để ung dung qua chốt gác

Trèo lên nóc nhà, Phước xé quần áo bện thành dây để đu ra ngoài. Thế nhưng, vừa đu vào dây thừng tự tạo ấy thì dây đứt, Phước ngã úp mặt và chết ngất. Khi tỉnh dậy, thấy chỗ mình rơi vẫn ở trong trại khu giam giữ phạm nhân có án tử hình, cố sức Phước đánh liều đu mình lên cột điện nhẵn thín rồi tụt rào thoát ra. 

Ra khỏi khu giam giữ này, để thoát khỏi trại chỉ có đường duy nhất là qua cửa chính, nơi có chốt gác túc trực suốt ngày đêm. Để qua được chốt gác này, Phước phải chơi bài hên, xui với số phận của mình. 

Chỗ nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, nghĩ thế nên Phước cố lê đến khu nhà tập thể của cán bộ quản giáo, nơi vẫn có ánh đèn sáng trưng. Ẩn nấp ở một góc tối, Phước nằm im quan sát, tìm cơ hội. 

Khi thấy một phòng đã khép cửa, lại có chiếc xe đạp ở ngoài, lại thêm bộ cảnh phục phơi trên dây, Phước đã bừng mắt khi nghĩ tới một phương án táo bạo cho việc thoát khỏi chốt canh cuối cùng này. 

trường bắn Long Bình

Bãi tha ma trường bắn Long Bình, nơi Phước "tám ngón" kết thúc cuộc đời tội lỗi.

Gượng đau, y đĩnh đạc tiến đến căn phòng đó, gỡ bộ cảnh phục đường hoàng khoác lên người rồi dắt xe đạp đi ra phía cổng. Ra tới chốt canh, thấy chiến sĩ gác chặn lại, Phước đã cười rất tươi rằng: “Mới lên đây, khó ngủ quá, ra ngoài làm ly cà phê thôi! Chú uống không, lát về anh mua giúp!”. 

Thấy thái độ đĩnh đạc, bình tĩnh của Phước, cứ nghĩ đó là cán bộ mới lên nhận công tác, chiến sĩ gác này đã nhanh chóng mở cửa để Phước cưỡi lên xe đạp và dông thẳng.

Thoát khỏi trại giam, vẫn ý nghĩ chỗ nguy hiểm nhất là chỗ an toàn nhất, Phước thản nhiên về nhà thăm vợ, thăm con. Thấy Phước từ cõi chết trở về, gia đình nhà vợ ai cũng hoảng hốt và tuyệt nhiên, không ai dám tố cáo sự xuất hiện của tử tù khét tiếng đó tại nhà mình. 

Thăm vợ con xong, Phước lẩn lên Tây Nguyên lánh nạn. Tuy nhiên, bản tính giang hồ, không chịu “nằm” lâu, chỉ vài tháng sau, Phước lại tìm về TP.HCM thu nạp đệ tử, qua biên giới mua súng để tiếp tục… đi cướp. 

Từ khi Phước “tám ngón” tái xuất giang hồ, các vụ cướp bóc, bắn giết đẫm máu xảy ra như cơm bữa khiến dân tình vô cùng hoảng loạn. Công an TP.HCM và một số tỉnh phụ cận khi đó đã được giao nhiệm vụ tối quan trọng là chặn đứng bàn tay tội lỗi của băng cướp điên cuồng này.  

 
Nhóm PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN