Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:22
RSS

Từ cuộc ly hôn nghìn tỷ ngẫm về tình cảnh của những đứa con sau khi cha mẹ ly hôn

Thứ sáu, 01/03/2019, 09:54 (GMT+7)

Rồi đây, cuộc hôn nhân giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ chính thức kết thúc với phán quyết cuối cùng của tòa dự kiến diễn ra vào chiều nay, 1/3.

Bắt đầu từ tình yêu và kết thúc ở chia ly, cuộc hôn nhân của hai doanh nhân tài giỏi đã khiến không ít người tiếc nuối. "Nhiều tiền để làm gì, nhiều tiền để làm gì khi mà tất cả phải ngồi đây!". Câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khiến nhiều người chua xót và là dịp để nhìn lại chính mình trong cuộc hôn nhân đang có.

Mọi thứ đều đến khi có tình yêu. Và không ai lường được chuyện gì sẽ đến khi tình yêu kết thúc. Nói về việc ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết bà không mong muốn đứng trước tòa để ly hôn khi cả 2 vợ chồng từng có khoảng thời gian chung sống hạnh phúc, có 4 người con, sự nghiệp tốt đẹp. Tuy nhiên có nhiều việc dẫn đến phải ly hôn. Bà Thảo cũng đề nghị nuôi dưỡng 4 người con. "6 năm qua anh Vũ không quan tâm lo lắng cho các con. Giai đoạn các con trưởng thành, các con không bao giờ được gặp ba (ông Vũ). Bản thân tôi giành mọi thứ, làm sao về mặt tinh thần cho các con đầy đủ", bà Thảo nói.

Đối đáp lại bà Thảo, ông Vũ cho biết ở đây không ai giành giật cái gì cả. "Điều cao nhất là đừng bao giờ làm tổn thương các con, mình đã sai rồi thì đừng bao giờ đưa tụi nó vào tranh chấp này. Nuôi con mà thiếu tình người cũng như Trung Nguyên, nuôi 3 năm không lên ký nào. Cô phải nói sự thật, phải nhìn lại bản thân của mình", ông Vũ nói.

Sự xuất hiện vắng mặt của những người con nhưng trong câu chuyện của mình, luôn là một vị trí sâu thẳm trong trái tim người làm cha mẹ. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng đưa ra hội đồng xét xử bức thư được cho là của con trai cả. Bức thư viết: "Hôm nay chúng con không muốn và không thể tham gia phiên tòa xử ly hôn của ba mẹ nên chúng con viết thư này kính gửi đến ba và bà nội (nhờ Hội đồng xét xử gửi đến ba).

Ba mẹ ly hôn là sự việc bất hạnh và đau buồn nhất trong đời chúng con. Tuy nhiên, chúng con lúc nào cũng yêu thương và kính trọng ba mẹ, chúng con vẫn phải tuân lời ba mẹ! Chúng con luôn mong ước gia đình mình lại được có ba và vui như ngày xưa".

Thật khó để nói được đúng sai khi họ đã hết duyên. Nhưng nỗi buồn sâu thẳm trong lòng con trẻ thì ai cũng có thể hiểu được.

Từ cuộc ly hôn nghìn tỷ ngẫm về tình cảnh của những đứa con sau khi cha mẹ ly hôn
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau phiên tòa chiều 25.2

Cha mẹ ly hôn và tình cảnh của những đứa con

Ly hôn có thể gây tổn thương cho con cái, dù chúng ở độ tuổi nào. Các chuyên gia tâm lý cho rằng trẻ vị thành niên sẽ chịu đựng tốt hơn. Họ lý luận rằng dù sao đi nữa, chúng đã chín chắn hơn và trước sau gì cũng rời xa cha mẹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã thấy được mặt trái của vấn đề. Họ nhận ra rằng cha mẹ ly hôn là một cú sốc tinh thần lớn đối với trẻ vị thành niên.

Vì đang tiến đến tuổi trưởng thành, trẻ vị thành niên có thể cảm thấy rất hoang mang. Có lẽ còn hoang mang hơn nhiều so với khi còn bé. Bề ngoài chúng có vẻ độc lập, nhưng chớ để điều đó lừa bạn. Hơn bao giờ hết, trẻ vị thành niên cần sự bảo vệ và hướng dẫn của một gia đình hợp nhất.

Ở độ tuổi này, trẻ vị thành niên đang học cách thiết lập tình bạn chân chính. Nhưng việc ly hôn của cha mẹ khiến chúng nghi ngờ giá trị của lòng tin cậy, sự chung thủy và tình yêu thương. Sau này, khi trưởng thành, chúng có thể không muốn tạo dựng những mối quan hệ mật thiết.

Thông thường trẻ con ở mọi độ tuổi đều biểu hiện rõ ràng nỗi buồn của chúng. Nhưng đặc biệt trẻ vị thành niên dường như lại thể hiện bằng những hành động nguy hiểm.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ vị thành niên có cha mẹ ly hôn đều bị tổn thương về tâm lý và không thể thành công trong đời sống Chúng có thể thành công, đặc biệt nếu có mối quan hệ tốt với cả cha lẫn mẹ. Nhưng đừng nghĩ rằng việc ly hôn, như vài người nói, sẽ luôn “tốt hơn cho con” hoặc chấm dứt mọi căng thẳng giữa hai vợ chồng. Thật ra, một số người nhận thấy sau khi ly hôn họ phải đối phó với người hôn phối “không thể chịu đựng nổi” nhiều hơn trước.

Bên cạnh đó, với những gia đình có trẻ nhỏ, ly hôn làm trẻ mất đi sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ trong học tập và cuộc sống đối với trẻ ở ông bố hoặc bà mẹ không có quyền nuôi con. Kể cả việc cha mẹ bình thường không dành được thời gian nhiều bên con nhưng bố mẹ vẫn được xem như một nguồn hỗ trợ về cảm xúc, bảo vệ, hướng dẫn và giám sát con cái. Trong một số gia đình cách thức giải quyết vấn đề này là tìm một người lớn khác (như ông bà hoặc người thân) để bù đắp cho một số chức năng của cha/mẹ vắng mặt.

Ngoài ra, ly hôn còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của cha mẹ (thường là ức chế và lo âu). Từ đó dẫn đến những cảm xúc xấu và ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con cũng như làm giảm tính hiệu quả trong việc chăm sóc con, có xu hướng kỷ luật khắc nghiệt hơn với con. Trẻ sẽ tốt hơn nếu cha mẹ nhận ra được điều này và cố gắng bày tỏ sự yêu thương, giải thích hợp lý cho các nguyên tắc mới và có sự giám sát ôn hòa hơn.

Bên cạnh đó, trẻ có thể bị mâu thuẫn về lòng trung thành sau khi cha mẹ ly hôn trong trường hợp sau khi ly hôn bố mẹ vẫn tiếp tục mâu thuẫn với nhau (ví dụ về việc hỗ trợ con cái, thời gian thăm con) và cố gắng kéo trẻ về phía mình. Trong trường hợp đó, nếu trẻ chỉ tạo một liên minh với bố hoặc mẹ và ít gặp người còn lại có lẽ sẽ đỡ bị giằng xé hơn và sẽ làm giảm các cảm giác băn khoăn, lo lắng và tội lỗi hơn.

Cuối cùng, cha mẹ phải chuẩn bị tâm lý trước cho con trước những áp lực từ cuộc sống sau khi ly hôn, nhất là về những sự kiện thay đổi lớn (như tái hôn). Nếu cha mẹ thấy con cái có vẻ như không vượt qua được giai đoạn khủng hoảng sau ly hôn, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn (các chuyên gia tâm lý).

Theo kế hoạch, chiều 01/03/2019 TAND TP.HCM sẽ công bố phán quyết cuối cùng về vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, khép lại 3 năm kéo dài với những tranh chấp và hòa giải bất thành.

 

Phương Nghi (t/h)
Theo Gia đình và Xã hội