Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:42
RSS

Trời rét đậm, nhiều người bất ngờ không thể cúi đầu, xử trí thế nào?

Thứ bảy, 22/12/2018, 09:01 (GMT+7)

Vào những ngày mùa đông, nhiều người gặp hiện tượng không thể cúi đầu, quay đầu gây khó khăn cho quá trình sinh hoạt, lao động thường ngày của nhiều người. Theo các bác sĩ đây là biểu hiện của bệnh đau vai gáy.

Trời rét đậm, nhiều người bất ngờ không thể cúi đầu, xử trí thế nào?
Vào mùa đông, bệnh đau vai gáy ở mọi lứa tuổi gia tăng đột biến (ảnh minh hoạ)

Điều đáng nói là không chỉ người già mà trẻ nhỏ cũng mắc phải căn bệnh này.

Gia tăng bệnh đau vai gáy ở mọi lứa tuổi 

Mới đây, bé Gia Bảo (6 tuổi, Bãi Cháy, Quảng Ninh) nhập viện vì đau cổ sau một đêm ngủ dậy, không thể quay, cúi đầu, đau nhiều khi chuyển động vùng đầu, cổ… Tại bệnh viên Bãi Cháy, các bác sĩ chẩn đoán bé Gia Bảo mắc bệnh đau vai gáy cấp tính.

Cũng vào khám tại bệnh viện khám sau một cơn cảm lạnh và tỉnh dậy sau một đêm với cơn đau dữ dội vùng vai gáy, ông Phạm Đình Tới – 68 tuổi (Quảng Ninh) chia sẻ: “Mấy hôm nay trở lạnh, đặc biệt là sau khi ngủ dậy tôi thấy vùng gáy và cổ đau nhói, đến nỗi không dám cử động vùng cổ vì đau. Tôi đến bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán đau vai gáy cấp do thời tiết đột ngột chuyển lạnh gây tái phát bệnh thoái hóa cột sống cổ - nguồn gốc cơn đau của tôi.”

Bác sĩ Thoan – Khoa Đông Y, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh đau vai cấp là bệnh lý về cơ, dân gian gọi tên là bệnh “ngáo cổ”, Y học cổ truyền gọi là bệnh lạc chẩm thống thường bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như thời tiết lạnh đột ngột, nằm ngủ sai tư thế, bê vác đồ nặng không đúng cách, các bệnh lý xương khớp như (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hẹp ống sống…). Biểu hiện bệnh đau vai gáy là đau nhức cổ gáy, không quay được cổ, cơ vùng cổ co cứng lại, vận động thấy đau nhiều, bệnh không gây sốt…

Trời rét đậm, nhiều người bất ngờ không thể cúi đầu, xử trí thế nào?
Không chỉ người già mà trẻ nhỏ cũng mắc phải căn bệnh đau vai gáy

Các trường hợp bệnh nhân đến phòng khám của chúng tôi đều chưa biết cách xử lý nhanh để giảm cơn đau vai gáy ngay tại nhà. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau nặng do các bệnh lý về xương khớp khác nên bác sĩ phải chỉ định chụp X.quang, MRI, siêu âm…để phát hiện tình trạng nứt, gãy xương, hẹp khe đĩa đệm, gai xương cổ".  

Theo bác sĩ Thoan, tùy thuộc vào thể trạng và mức độ tổn thương, mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ và thời gian chữa đau vai gáy khác nhau. Đau vai gáy nếu không được chữa trị triệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư thế cột sống, giảm chất lượng sinh hoạt, lao động. Do đó, bệnh nhân không nên chủ quan với các cơn đau vai gáy, đặc biệt trong thời tiết lạnh mà nên đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa thần kinh, cơ xương khớp, đông y để xác định nguyên nhân khởi phát cơn đau do thời tiết hay bệnh lý xương khớp khác.

Xử trí thế nào khi đau vai gáy trong thời tiết lạnh?

Theo bác sĩ Thoan – Khoa Đông Y, Bệnh viện Bãi Cháy, đối với các cơn đau vai gáy cấp tính trong thời tiết lạnh, bệnh nhân nên thực hiện các phương pháp sau:

- “Xoa bóp huyệt vùng cổ, chườm nóng vùng gáy, cổ, vai bằng khăn đã nhúng qua nước ấm khoảng 50 độ C để làm mềm các cơ. 

- Có thể sao lá ngải, muối, gừng rồi chườm vào vùng cổ, vai, gáy bị đau. 

- Dùng đèn học (bóng đèn sợi đốt) chiếu vào vùng vai, gáy, cổ bị đau trong khoảng 15-20 phút.

- Dùng dầu cao xoa, nắn nhẹ vào vùng vai, gáy bị đau.

Các bác sĩ cũng lưu ý người bệnh không nên chườm nóng ở nhiệt độ quá cao có thể gây bỏng rát và việc xoa bóp sai huyệt đạo có thể gây đau nhiều hơn. Ngoài ra, các bệnh nhân cần tuyệt đối tránh lạnh, giữ ấm vùng cổ, gáy, tai, mang khăn và áo ấm khi di chuyển ngoài trời. Hạn chế vận động mạnh cho đến khi bệnh khỏi hẳn.

Đối với trẻ nhỏ, mẹ cần lau mồ hôi cho con, tránh để áo bị ướt vì gặp gió lạnh trẻ sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Cũng theo bác sĩ Thoan, nếu áp dụng các biện pháp giảm đau nhanh ở trên mà cơn đau không thuyên giảm, người bệnh nên đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa thần kinh, đông y để được điều trị chuyên sâu, hiệu quả với các phương pháp điều trị đông - tây y như châm cứu, bấm huyệt, điện châm, dùng thuốc giảm đau, giãn cơ...


Xem thêm video: Bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN