Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:29
RSS

Triệu tập 27 nhân chứng quan trọng tới tòa vụ gian lận thi cử ở Sơn La

Thứ năm, 03/10/2019, 15:08 (GMT+7)

Ngày 15/10 tới, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La.

Theo VOV, để chuẩn bị cho phiên tòa tới, ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã giao trực tiếp giấy triệu tập cho 91 người và đơn vị.

Đối với 27 người làm chứng quan trọng, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã gửi công văn về cơ quan, đơn vị công tác đề nghị thủ trưởng các đơn vị không sắp xếp lịch công tác, phân công công việc cho những cán bộ này vào thời gian trước và trong những ngày xét xử vụ án, đồng thời quán triệt cán bộ đơn vị phải có mặt tại tòa để vụ án sớm được làm sáng tỏ.

Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức đảng, cấp ủy cơ quan, địa phương nơi có người làm chứng thực hiện việc đốc thúc, tạo điều kiện cho những cán bộ này chấp hành nghiêm việc triệu tập của Tòa án.

Tại phiên xét xử vào ngày 16/9 vừa qua, trong số 90 người và 1 cơ quan là Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La được Tòa án Nhân dân tỉnh gửi giấy triệu tập với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng, thì có tới 76 người vắng mặt. Tất cả các thí sinh nằm trong danh sách gian lận điểm thi đều không đến. Do vậy Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên Tòa.  

Trong số 43 người làm chứng chỉ có 12 người có mặt. Những cán bộ chủ chốt có vai trò quan trọng được tòa triệu tập để vụ án sớm được làm sáng tỏ cũng không đến. Cụ thể là ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở; ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục; ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La; ông Nguyễn Minh Khoa, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Sơn La…

Triệu tập 27 nhân chứng quan trọng tới tòa vụ gian lận thi cử ở Sơn La
Phiên tòa sáng 16/9. Ảnh: GĐXH

Việc nhiều cán bộ, người có chức vụ là người làm chứng không đến dự hầu hết với lý do bận công tác hoặc cáo ốm, có người thậm chí không có phản hồi lý do vắng mặt khiến dư luận bức xúc. 

Tham gia phiên tòa, luật sư Phạm Văn Hiển – bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị triệu tập các ông Hoàng Tiến Đức – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT cùng Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La.

Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh nêu quan điểm, rất cần triệu tập và đánh giá tại tòa lời khai của ông Hoàng Tiến Đức. Những lời khai của nguyên giám đốc sở chắc chắn sẽ giúp làm sáng tỏ sự thật vụ án.

Sau hội khi hội ý, thay mặt HĐXX sơ thẩm, Chủ tọa phiên tòa Quản Hữu Chiến tuyên bố hoãn tòa. Phiên xét xử này sẽ được mở lại vào sáng 15/10 tới đây. Trao đổi với phóng viên GĐXH, một luật sư bào chữa cho bị cáo trong vụ án này cho biết, việc vắng mặt ông Đức buộc HĐXX phải hoãn xử phiên tòa là hoàn toàn chính xác.

Bởi ông Đức là nhân vật xuất hiện trong các lời khai của bị cáo, họ cho rằng sự tác động của ông Đức dẫn đến việc có nhiều thí sinh ở Sơn La được sửa điểm hơn.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khai ông Đức đã đưa cho mình bảng danh sách 8 thí sinh nhờ sửa điểm.Tuy nhiên, trong lần làm việc đầu tiên, ông Đức chỉ thừa nhận có đưa bảng danh sách thông tin 8 thí sinh để nhờ xem điểm trước khi công bố công khai. Lần làm việc tiếp theo, ông Đức phủ nhận không đưa bảng danh sách nào cho ông Yến cả.

"Ông Đức được xác định là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Chính vì thế, trong phiên xét xử, ông Đức cần có mặt để các bên hỏi nhiều vấn đề nhằm xác định rõ hành vi, tội danh của các bị cáo.

Sự vắng mặt của ông Đức sẽ khiến cho phiên xử không khách quan, có thể không đúng tội danh đối với các bị cáo", vị luật sư này cho biết.

Cũng theo vị luật sư này, phiên tòa có thể sẽ được mở lại vào ngày 15/10/2019, khi đó cơ quan chức năng tỉnh Sơn La cần có biện pháp buộc ông Đức có mặt tại phiên tòa.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN