Triển vọng vắc xin Covid-19 khả quan, có thể sản xuất hàng loạt. Ảnh Thời đại
Theo Hãng tin Bloomberg, ông Paul Hudson, giám đốc điều hành Hãng dược Pháp Sanofi - một trong những nhà bào chế vắcxin lớn của thế giới mới đây cảnh báo rằng dù cần ít nhất 1 năm nữa trước khi tìm ra một loại vắcxin Covid-19 hiệu quả, nhưng ngay từ bây giờ châu Âu phải "thức tỉnh" trước thử thách sản xuất đủ vắcxin cho cộng đồng.
"Mối quan tâm về khả năng tìm ra vắcxin thật ra không lớn bằng khả năng sản xuất đủ số liều cần dùng. Ở châu Âu đây là vấn đề lớn nhất nhưng lại ít người chú ý", Tuổi trẻ dẫn lời ông Hudson giải thích.
Sanofi đang bắt tay với đối thủ GlaxoSmithKline Plc của Anh phát triển vắcxin phòng virus SARS-CoV-2, đua với những gã khổng lồ ngành dược khác như Johnson & Johnson (Mỹ) hoặc Moderna Inc. - một hãng công nghệ sinh học mới nổi cũng của Mỹ… Hầu hết các ông lớn này đều nhắm đến tung ra thị trường những liều vắcxin đầu tiên trong năm sau.
Tuy nhiên, từ bây giờ cuộc cạnh tranh đã nóng dần. Sếp Hudson của Sanofi cảnh báo rằng Mỹ ở trong tư thế sẵn sàng hơn châu Âu nhờ vào Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh - một tổ chức trực thuộc chính phủ chuyên hỗ trợ phát triển vắcxin, trong khi châu Âu chưa có cơ chế nào tương tự.
"Chúng tôi không muốn chờ đến hè năm sau để rồi không có đủ vắcxin cho châu Âu. Nếu tháng 6/2021 có đủ dữ liệu, ta không thể chờ đến đó mới bắt đầu sản xuất. Ta phải khởi động ngay trong tháng 1 ", ông Hudson nêu quan điểm. Sanofi hiện đã trình bày ý kiến này lên Ủy ban Châu Âu (EC).
Chia sẻ cùng quan ngại, tổ chức nghiên cứu Wellcome Trust (Anh) ước tính họ cần khoảng 8 tỉ USD trong tháng này để chi cho hoạt động nghiên cứu thuốc, vắcxin và các công cụ khác chống lại Covid-19. Và để sản xuất đủ thuốc cho nhu cầu thế giới, số tiền sẽ còn lớn hơn nhiều.
"Chúng ta cần xây dựng các cơ sở bào chế ngay bây giờ thay vì chờ đến lúc một ứng viên vắcxin an toàn và hiệu quả xuất hiện. Cần phải chấp nhận rằng một vài cơ sở đó sẽ không thể sử dụng", ông Charlie Weller, trưởng bộ phận vắcxin của Wellcome, nhận định.
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc có thể có vắc-xin chống lại đại dịch Covid-19 và đưa vào sử dụng khẩn cấp từ tháng 9 năm nay và dùng rộng rãi vào đầu năm tới, một chuyên gia y tế công cộng hàng đầu của Trung Quốc cho biết, theo báo Thời đại.
Đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc đưa ra ước tính về thời gian phát triển vắc-xin Covid-19 được cho là chìa khóa để ngăn chặn đại dịch toàn cầu. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết phải mất ít nhất 1 năm nữa nước này mới có được một loại vắc-xin, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng phải mất từ 12 - 18 tháng để có được vắc-xin.
Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, hôm thứ Năm nói rằng vắc-xin này hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2 hoặc 3 có thể đáp ứng trước làn sóng bùng phát dịch thứ hai.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có 3 loại vắc-xin vừa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. “Chúng tôi đang dẫn đầu về việc phát triển vắc-xin Covid-19 và có thể đưa vào sử dụng vào tháng 9 tới”, Gao cho biết. Các loại vắc-xin này có thể được sử dụng cho một số nhóm người đặc biệt, ví dụ như nhân viên y tế.
Tính đến cuối tháng 4, có hàng chục loại vắcxin COVID-19 đang được nghiên cứu trên thế giới, phân bổ từ châu Âu, Mỹ cho đến Trung Quốc. Một số hiện đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, chẳng hạn của CanSino Biologics Inc. (Trung Quốc), Inovio Pharmaceuticals Inc. (Mỹ) hoặc Moderna (Mỹ) .