Thứ hai, 25/11/2024 | 02:14
RSS

Trẻ bị ho mẹ có nên kiêng thịt gà và tôm cho bé?

Thứ sáu, 22/12/2017, 20:40 (GMT+7)

Trẻ nhỏ thường mắc các bệnh ho, sổ mũi, viêm họng và dân gian vẫn truyền tai việc bị ho thì không nên ăn thịt gà và tôm. Điều đó có đúng?

Khi trẻ bị ho có nên cho ăn thịt gà và tôm
Khi trẻ bị ho có nên cho ăn thịt gà và tôm

Từ xa xưa ông cha ta vẫn truyền lại là nếu bị ho thì cần kiêng một số loại thực phẩm trong đó có thịt gà và tôm bởi hai loại này thường kích ứng khiến cổ họng bị ho nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản thì ăn phở gà còn rất tốt cho bệnh nhân bị ho có đờm. Vậy thực hư vấn đề này ra sao.

Trao đổi với PV, BS. Phạm Thị Thục, Nguyên Trưởng phòng khám và tư vấn dinh dưỡng BV Bạch Mai cho biết khi trẻ bị ho mà kiêng không cho trẻ ăn các món thịt gà, tôm khi bị ho là không nên.

Bởi thông thường với trẻ nhỏ khi cho bé ăn, nấu cháo thì cha mẹ cũng bóc đi phần vỏ tôm và cho bé phần nõn tôm bên trong, phần nõn tôm này không gây kích ứng họng gây ho và rất giàu dinh dưỡng, giàu kẽm. Mà kẽm là một nhân tố quan trọng giúp tăng sức đề kháng, giúp trẻ mau khỏi bệnh.

Còn về thịt gà, theo BS Thục, thịt gà rất giàu dinh dưỡng, giàu protein, hàm lượng đạm cao. Đặc biệt thịt gà cũng rất giàu vi chất dinh dưỡng nhất là kẽm và sắt, không hề có chất nào kích ứng gây ho như dân gian truyền tụng.

Theo BS Thục nếu bị ốm, bị ho mà kiêng thịt gà là bỏ phí một món ăn quý, thậm chí khi ốm, ho còn nên cho trẻ ăn nhiều thịt gà hơn để bồi bổ.

Các mẹ nên lưu ý khi cho trẻ ăn hai món này, cần bóc hết vỏ tôm, chỉ lấy phần nõn còn thịt gà gỡ toàn bộ xương chỉ dùng phần thịt để chế biến món ăn cho trẻ.

Khi trẻ bị ho có nên cho ăn thịt gà và tôm không
Khi trẻ ho mẹ nên bóc vỏ lấy phần nõn tôm chế biến món ăn cho trẻ

Tuy nhiên, đối với những người trẻ có tiền sử dị ứng hai món trên thì phải kiêng ăn tôm, thịt gà và các thực phẩm gây dị ứng khác để tránh làm tình trạng dị ứng tái phát và khiến ho nặng hơn.

Bs Thục cũng chia sẻ thêm, khi trẻ bị ốm hay ho nên cho con ăn những món lỏng, dễ tiêu hóa nhưng vẫn phải đầy đủ chất dinh dưỡng như súp, cháo, sữa giúp trẻ dễ ăn, bổ sung dinh dưỡng, trẻ sẽ mau khỏi bệnh... Ngoài ra, nên bổ sung cho trẻ đủ bốn nhóm tinh bột, chất béo, chất đạm, chất xơ.

Cha mẹ nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, chất kẽm và sắt như thịt bò, trứng, rau có màu xanh, cử quả có màu đỏ...Tránh cho trẻ ăn các thức quá cứng, khó nuốt, gây nôn trớ.

Đặc biệt cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, có thể là nước trái cây, nước canh hoặc sữa, nhưng tuyệt đối không được dùng lạnh mà phải uống lúc ấm. Ngoài ra có thể vệ sinh họng, mũi cho con bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng bằng nước muối ấm.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN