Tranh cãi việc mẹ chôn sống con ở Bình Thuận muốn nhận lại con
Những ngày qua, dư luận bàng hoàng trước thông tin người mẹ ở Bình Thuận chôn sống con ngay khi cháu bé vừa chào đời.
Theo đó, sáng 26.5, chị Nguyễn Thị Thủy Trúc (31 tuổi, Hàm Tân, Bình Thuận), ra vườn tràm cạnh nhà thì phát hiện bé trai lấm lem đất cát còn cả nhau thai và dây rốn bị chôn sống.
Sau đó, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính người mẹ của bé trai sơ sinh bị chôn sống là bà T.T.A.K., 40 tuổi, dân tộc Chăm, đang sinh sống tại huyện Hàm Tân.
Theo thông tin ban đầu, bà K. từ nhỏ đã mắc bệnh động kinh, phát triển không bình thường. Hôm đó, khi chuyển dạ giữa đêm, bà ra sau nhà sinh rồi mang con đến vườn tràm gần nhà chôn.
Chiều 30.5, thông tin đến báo chí, ông Văn Quý Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cho biết: "Bước đầu K. thừa nhận mình là mẹ bé và đang được chính quyền làm thủ tục bàn giao con để chăm sóc".
Nhiều người băn khoăn, người mẹ từng có ý định giết con lại tiền sử động kinh thì khi cháu bé được bà mẹ nhận lại nuôi, liệu có an toàn?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Đặng Xuân Cường (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư T.P Hà Nội) cho biết: “Trước hết bà K. có thể đối diện với tội danh giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
Trong trường hợp, bà này muốn nhận lại con để nuôi thì không có quy định pháp lý nào nghiêm cấm.
Tuy vậy, một bà mẹ từng có ý định giết con và tiền sử động kinh thì sẽ khó đảm bảo an toàn khi người này chăm sóc cháu bé. Trường hợp này, theo tôi nên giao cháu bé cho họ hàng, hoặc một tổ chức bảo trợ xã hội chăm sóc”.
Không đồng tình với quan điểm này, bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em cho biết: “Pháp luật ủng hộ mẹ có quyền nuôi con và đứa con có quyền được chăm sóc bởi bố mẹ đẻ nên chúng ta không thể ngăn cấm việc chị K. xin nhận lại con để nuôi”.
Tuy vậy, bà Ninh Thị Hồng cũng khẳng định, trước khi giao cháu bé cho mẹ đẻ, cơ quan chức năng cần xác định bà mẹ này có tư tưởng ổn định và trạng thái tinh thần phù hợp hay không.
“Bên cạnh đó, phải có quá trình giám sát từ cộng đồng, chính quyền địa phương.
Nếu quá trình chăm sóc không tốt hoặc có nguy cơ gì thì lúc đó có thể giao cháu bé cho họ hàng, các tổ chức bảo trợ xã hội hoặc các cặp bố mẹ có nhu cầu xin con nuôi đáp ứng đủ điều kiện”, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết thêm.
Xem thêm: Bắt trẻ con lo chỗ chết và “ma trận tận thu” mang tên “tự nguyện”.