Như đã đưa tin ở bài trước "Tràn lan các lớp học Online tự phát: Băn khoăn câu chuyện chất lượng", các lớp học trực tuyến từ phổ thông đến môn chuyên ngành đại học được quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh, học sinh- sinh viên trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn đang phức tạp hiện nay.
Tính tiện lợi cho giáo viên và học sinh, linh hoạt địa điểm dạy và học, tăng cường tương tác, tạo không gian học tập thoải mái, dễ dàng lưu giữ tài liệu học tập, đơn giản và hiệu quả trong học tập theo nhóm là những lợi ích nổi bật khi học online mùa dịch.
Tuy nhiên, câu chuyện chất lượng cũng như việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với những lớp học này lại đang bị bỏ ngỏ.
Đối với những giáo viên mới mở lớp thì công tác chiêu sinh đầu khóa cũng diễn ra rầm rộ với những chiến dịch quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube hay đội ngũ seeding nhằm tạo hiệu ứng, gây dựng niềm tin và lôi kéo sự quan tâm của người dùng mạng xã hội trong các hội nhóm.
câu chuyện của “cô giáo Vật lý” M.T. từng gây bão mạng xã hội chỉ sau 1 đêm livestream bài giảng. Gây ấn tượng bởi cách nói chuyện gần gũi, thân thiện, diện mạo xinh đẹp, cô giáo 9X này đã thu về hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác và bình luận.
Tuy nhiên, sau khi nổi tiếng M.T. đã bị cư dân mạng "bóc phốt" chưa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội dạy sai kiến thức chuyên môn, hành xử thiếu chuẩn mực, sử dụng ngôn ngữ không phù hợp. Trước thông tin này, M.T. cũng thẳng thắn thừa nhận vì lý do quên đăng ký 1 tín chỉ nên cô chưa tốt nghiệp.
"Cô giáo" M.T chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp cứ "mở lớp" online là tự "khoác" cho mình vỏ bọc giáo viên. Chính sự thiếu quản lý của các cơ quan chức năng về giáo dục đã khiến cho những "nhà giáo online" này mọc lên như nấm".
Không được đào tạo bài bản về những kỹ năng sư phạm, đã khiến cho nhiều "thầy giáo", "cô giáo" online trong quá trình "lên lớp" đã có tác phong chưa chuẩn mực, kiến thức thiếu cập nhật so với chương trình, thậm chi giảng dạy sai kiến thức,...dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học tập của học sinh.
Chia sẻ với báo chí, bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: "Không phải cứ mở lớp dạy Online được gọi là giáo viên đạt tiêu chuẩn. Giáo viên cũng như các nghề bác sĩ, ca sĩ. Nếu ai hoạt ngôn sẽ thu hút chú ý của mọi người. Thế nhưng để làm nghề thì phải được đào tạo bài bản, có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm. Ai tự ý đứng ra mở lớp dạy giống như bác sĩ tự ý bốc thuốc cho người bệnh, ca sĩ chỉ biết hát 1, 2 bài... Như vậy rất nguy hiểm vì họ không biết mình đang làm đúng hay sai.
Bên cạnh đó, là giáo viên, không chỉ bài giảng đúng, hay mà còn phải hiểu tâm sinh lý của học sinh và biết đâu là điểm dừng. Có thể người đó giảng 1, 2 bài thấy hay nhưng để giảng dạy sang những bài khác hoặc đối tượng khác thì lại không hiệu quả".
Nhờ làm hình ảnh tốt, thậm chí là có đơn vị quản lý chuyên nghiệp, những "giáo viên online" có tên tuổi, thương hiệu vẫn thu hút hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn học sinh tham gia, như lớp học Toán của thầy Đặng Thành N., Đỗ Văn Đ., Nguyễn Quốc C...., môn Vật lý có thầy Nguyễn Thành N., Chu Văn B., ...
Một quảng cáo lớp học online của một thầy giáo dạy Toán. Ảnh chụp màn hình.
Mặc dù câu chuyện về chất lượng của các lớp học online còn đang là vấn đề bỏ ngỏ nhưng nguồn thu từ đây lại là những con số khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Lấy ví dụ: 1 giáo viên dạy online trung bình có khoảng 1.000 học sinh với học phí 1-1.5 triệu đồng/khóa, thu nhập đã khoảng 1-1.5 tỷ đồng/năm. Với những thầy cô có "tên tuổi" thu hút hàng chục nghìn học sinh tham gia thì con số này còn gây bất ngờ gấp nhiều lần.
Không những vậy, ngoài các lớp học online thông thường, giáo viên còn có các khóa học khác như khóa học cấp tốc khoảng 5 triệu đồng/khóa trong 2-3 tháng học gần thi, khóa học cam kết (có cam kết về số điểm mà học sinh đạt được sau khi tham gia khóa học) khoảng 200 triệu đồng và khóa học 1:1 với mức phí 2-3 triệu đồng/buổi.
Nguồn thu từ các lớp học online là một con số không hề nhỏ, tuy nhiên, thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng dễ dẫn đến việc thiếu thống kê chính xác, minh bạch nguồn thu, gây thất thoát thuế.
Bên cạnh đó, việc thiếu quản lý của cơ quan chức năng còn khiến cho quyền lợi của người học tại những lớp học tự phát trên môi trường mạng xã hội không được đảm bảo.
"Em đăng ký khóa học 550.000 đồng từ đầu tháng 7. Cô dạy 3 buổi/tuần nhưng nghiêm chỉnh chỉ trong 2 tuần. Sau đó, cô không dạy học mà liên tục gợi ý đăng ký khóa đợt 2 tiếp 550.000 đồng được tặng thêm khóa luyện đề. Tổng chi phí hết 1,1 triệu đồng nhưng nhận về là 15 video bài giảng, mỗi video dài 30 phút với kiến thức rất nông cạn", Thu H. một học sinh cũ của cô giáo dạy Văn online P.T. (23 tuổi) sở hữu fanpage hơn 20.000 lượt follow chia sẻ.
Người này cũng cho biết thêm, khi thấy chất lượng lớp học không được như cam kết, H. đã yêu cầu hoàn tiền tuy nhiên, dù nhiều lần trao đổi nhưng vẫn không nhận được sự phản hồi từ phía "cô giáo" này.