Chủ nhật, 19/01/2025 | 00:49
RSS

Trải lòng hiếm hoi của mẹ "sát thủ" Lê Văn Luyện sau 6 năm xảy ra thảm án kinh hoàng

Thứ hai, 22/05/2017, 11:35 (GMT+7)

Nhiều lúc cũng nghĩ, nếu không việc gì xảy ra thì có khi giờ mình cũng đã có cháu bế bồng…" - người mẹ khốn khổ ngậm ngùi chia sẻ.

Dù đã 1 vài năm trôi qua, tuy nhiên vụ thảm sát kinh hoàng ở tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) và vụ sát hại dã man 4 bà cháu ở TP. Uông Bí (Quảng Ninh) vẫn hằn sâu vào trong nỗi sợ hãi của dư luận.

Hai sát thủ Lê Văn Luyện và Doãn Trung Dũng đều đã phải trả giá cho những hành động tàn ác của mình, tuy nhiên nỗi đau khổ, ám ảnh đến day dứt thì vẫn đeo bám lấy những người thân trong gia đình các hung thủ.

Tình cờ, trong chuyến công tác Bắc Giang và Quảng Ninh vừa qua, PV báo Gia đình và xã hội đã có dịp gặp lại những con người khốn khổ này. Vẫn là những đau khổ, ám ảnh, nhưng từ sâu trong câu chuyện sau thảm án của họ, chúng tôi cảm nhận được sự sống tích cực đang chậm rãi hồi sinh.

Nỗi đau không thể nào quên

Tính đến thời điểm này, đã 6 năm trôi qua nhưng cái tên Lê Văn Luyện – sát thủ trong vụ án giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Phố Sàn (Phương Sơn, Thanh Lâm, Bắc Giang) vẫn là ký ức hãi hùng của nhiều người dân địa phương.

Vụ án xảy ra năm 2011. Luyện khi đó chưa đầy 18 tuổi. Trong vụ án kinh hoàng ấy, vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích cùng đứa con 18 tháng tuổi bị sát hại dã man. Con gái lớn của họ mới 8 tuổi thì bị chém đứt lìa tay phải.

Biến cố này khiến gia đình Luyện tan nát. Ông Lê Văn Miên (bố Luyện) vướng vòng lao lý vì hành vi che giấu và không tố giác tội phạm, em trai phải bỏ học. Trong khi đó, bà Trương Thị Thơm (mẹ Luyện) – người phụ nữ duy nhất trong nhà đã phải chịu rất nhiều đau đớn, oan nghiệt.

Một ngày đầu tháng 5/2017, trong một chuyến công tác, PV Báo Gia đình & Xã hội có dịp trở lại thôn Sơn Đình 2 (Thanh Lâm, Lục Nam, Bắc Giang) - quê hương của Lê Văn Luyện. Thật tình cờ, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ bất ngờ với người mẹ của kẻ từng bị cả cộng động gọi tên là "sát nhân máu lạnh".

Sơn Đình 2 vẫn hiện ra là một vùng quê rất yên bình, không ồn ã. Ký ức về Lê Văn Luyện cũng đã lùi vào ký ức đau thương của tất cả mọi người. Những dị nghị, soi mói đối với gia đình Luyện đã ngớt, duy chỉ có những người không cùng địa phương thì vẫn mang nỗi sợ và sự soi mói ít nhiều.

Trong câu chuyện bên lề với những người dân thuần phác nơi đây, chúng tôi thật sự thấy mừng khi biết tin ngôi nhà của Lê Văn Luyện giờ đây không còn hoang phế nữa mà đã có sự trở về của những người thân. Người dân thôn Sơn Đình 2 chia sẻ với chúng tôi, họ cảm thấy thương xót và hy vọng thời gian sẽ có thể xóa mờ nỗi đau nghiệt ngã trong những người thân của Luyện.

Dừng chân ở cửa ngôi nhà từng thu hút toàn bộ ống kính của báo chí cách đây 6 năm, chúng tôi ngập ngừng mãi rồi cũng quyết định gọi cửa để vào thăm hỏi tình hình cuộc sống của mẹ Lê Văn Luyện. Bước ra chào khách, bà Trương Thị Thơm nở nụ cười thân thiện và chất phát, đó là điều thật khó ngờ.

Dù vậy, sự mệt mỏi, u sầu vẫn hiện rõ trên nét mặt sạm đen, ánh mắt mòn mỏi và nụ cười nhàn nhạt của người đàn bà này.

Theo quan sát của chúng tôi, bên trong tầng 1 của căn nhà không có gì đáng giá ngoài tủ lạnh và một cái tivi nhỏ đã cũ.

Dần dần, bà Thơm cởi mở và giãi bày nhiều tâm sự dồn nén trong lòng suốt 6 năm nay. Với bà, những hình ảnh ngày cả gia đình gặp biến cố vẫn hiện rõ trong quãng ký ức có thể nói là đau buồn nhất cuộc đời bà.

Bà Thơm cho biết, gia đình bà mới chuyển lại về đây vào tháng 3/2016, đến nay là hơn một năm. Mọi thứ đối với gia đình bà chỉ như đang bắt đầu lại vì sự việc của Luyện đã cướp đi tất cả.

"Trước mình bán hàng, cũng không phải dạng người nhút nhát nhưng xảy ra chuyện như vậy thì ngại, xấu hổ lắm. Không thể ngờ con mình lại như vậy, nghĩ đến lại tủi thân" - bà Thơm ngậm ngùi.

Ngôi nhà của gia đình Lê Văn Luyện (giữa) đã được dọn dẹp gọn gàng hơn, không còn tan hoang như trước

Ngôi nhà của gia đình Lê Văn Luyện (giữa) đã được dọn dẹp gọn gàng hơn, không còn tan hoang như trước

Ngày đó, tôi đi buôn đi bán, mọi người cũng quý mến nhưng xảy ra chuyện thì xấu hổ, ngại không dám gặp ai. Đến nỗi cứ ra ngoài là tôi bịt mặt kín mít, không dám dừng lại ngã tư mua gì cả. Người ta hỏi nhau bảo "có phải bà đó không, sao mà nom giống quá". Họ gọi lại để nói chuyện chơi thôi nhưng mình cũng chẳng dám".

Bộc bạch với chúng tôi, bà chia sẻ rằng mình tuy không phải người phụ nữ khôn khéo lắm nhưng luôn ăn ở có đức với mọi người, không va chạm với ai nên việc con trai mình gây ra tội ác như vậy thật quá sức tưởng tượng.

Đối với người mẹ này, đó một cú sốc quá lớn, dai dẳng và âm ỉ đến bây giờ: "Như một cú sét đánh vậy. Chồng đi đằng chồng, con đi đằng con. Mình là vợ, ở lại thì chỉ bấu víu anh em và trông con nhỏ, cứ mong từng ngày, từng giờ, cứ nghĩ bao giờ cho hết một tháng, rồi lại một năm…".

"Nếu không việc gì xảy ra thì đã có cháu bế bồng"

Được biết, sau khi chồng và con đi tù, bà Thơm cùng hai con trai lui về gia đình bên ngoại sống tạm. Có thời điểm, bà rơi vào cảnh tâm tính, thần kinh không ổn định, nếu là người ngoài thì không ai có thể tiếp xúc hay gặp gỡ.

Trong những lời tâm sự ngập ngừng với chúng tôi, bà để lộ rõ sự nuối tiếc, hoài niệm về quãng thời gian khi gia đình mình còn êm ấm.

Bà Trương Thị Thơm nghẹn ngào chia sẻ về quãng kí ức đau đớn của gia đình

Bà Trương Thị Thơm nghẹn ngào chia sẻ về quãng kí ức đau đớn của gia đình. Ảnh Nông Thuyết

"Tôi cũng không hề bắt ép con đi làm thuê thì mỗi tháng phải đưa cho bố mẹ bao tiền. Được ít ăn ít, được nhiều ăn nhiều. Ngày đi bán hàng, nhà có mấy sào ruộng thì làm cũng không vất vả gì, nó ở nhà thì trông em, tối đến thì đi đánh bóng.

Tôi không tin, nhiều người cũng không tin được, cứ nghĩ là có sự hiểu lầm nào. Đúng là con mình cũng nghịch nhưng không nghĩ lại đến thế.

Hồi đó có người ở xóm trên vẫn hay hỏi "con giai lớn rồi chứ", bà ấy cũng quý thằng này (Luyện) nên cứ ngỏ ý muốn làm mối. Đùng cái xảy ra như thế, họ hàng ai cũng động viên. Đúng là sống được đến bây giờ là quá tốt rồi. Nhiều lúc cũng nghĩ, nếu không việc gì xảy ra thì có khi giờ mình cũng đã có cháu bế bồng…".

Ánh mắt buồn rầu và giọng trùng xuống khi nhắc về tình hình của Luyện trong trại giam, bà chỉ biết con mình vẫn khỏe nhưng hàng ngày không được ra ngoài lao động mà thường phải làm ở trong nhà.

"Nếu được ra ngoài thì tinh thần chắc cũng thoải mái hơn. Năm ngoái thì bố và chú nó có đi thăm một lần nhưng năm nay thì chắc không đi được. Cũng chỉ biết động viên nó cố gắng cải tạo…

Diễn biến vụ án cướp tiệm vàng ở Bắc Giang

Khoảng 9h sáng ngày 24/8/2011, vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang) cùng bé gái 18 tháng tuổi được phát hiện nằm chết trong nhà với nhiều vết chém. Con gái lớn 8 tuổi bị chém đứt lìa bàn tay, được đưa đi cấp cứu. Tại tầng 1, tủ trưng bày vàng của tiệm bị vỡ mặt kính, toàn bộ vàng ta biến mất.

Cùng thời điểm này, Lê Văn Luyện (18 tuổi, người sống cách tiệm Ngọc Bích 4 km) được anh họ đưa đến trạm xá băng bó vết thương ở tay.

Chiều 24/8, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cùng lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đến kiểm tra hiện trường. Ban chuyên án với sự vào cuộc của hàng trăm điều tra viên Bộ Công an và Công an Bắc Giang được thành lập.

Ngày 29/8, nhà của Luyện bị khám xét, cảnh sát tìm thấy một túi nilon đựng hàng trăm nhẫn, dây chuyền vàng (chừng 50 cây) chôn ở sau vườn. Ông Lê Văn Miên thừa nhận đã cất giấu hộ con trai túi vàng.

Ngày 30/8, Luyện bị khởi tố, truy nã đặc biệt. Cha mẹ Luyện cùng hai người khác bị điều tra về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.

Chiều 31/8, sau 6 ngày lẩn trốn và chỉ sau một ngày cơ quan điều tra phát lệnh truy nã đặc biệt, Lê Văn Luyện đã bị bắt tại Lạng Sơn. Hắn thừa nhận là hung thủ gây ra vụ thảm sát.

Trong phiên tòa xét xử mở đầu năm 2012, Lê Văn Luyện bị phạt tổng cộng 18 năm tù về 3 tội danh: Giết người; Cướp tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông Lê Văn Miên - bố Luyện - bị truy tố, xét xử tội "Che giấu tội phạm" và phải nhận mức án 48 tháng tù giam. Ông Miên đã hoàn thành việc thi hành án vào ngày 29/8/2014.

 

Nông Thuyết - Đình Việt
Theo Gia đình và Xã Hội