Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:07
RSS

TP. Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sốt xuất huyết, 19 ca tử vong

Thứ năm, 15/09/2022, 06:08 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, TP. HCM ghi nhận 54.026 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 536,7% với cùng kỳ năm 2021, với số ca sốt xuất huyết nặng là 1.128 ca.


Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần 37, toàn thành phố ghi nhận 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết giảm 11,9% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 21,8% và ngoại trú giảm 1,2%.

Cụ thể, trong tuần 37 (từ ngày 5/9 đến 11/9), thành phố không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, sau khi điều tra xác minh, tuần 36 báo cáo bổ sung 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Củ Chi. Như vậy, tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến tuần 37 là 19 trường hợp, tăng 15 ca so với cùng kỳ nằm 2021 (4 ca).

Cũng trong tuần này, hầu hết các quận huyện đều có số mắc giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước. Toàn thành phố ghi nhận 156 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 88 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; tăng 53 ổ dịch mới so với tuần 36.

Theo đó, tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 268 ổ dịch và không có phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 314 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 147 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 54.026 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 536,7% với cùng kỳ năm 2021 là 8.485 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 1.128 ca; tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 37 là 2,09% (1.128/54.026). cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Theo khuyến cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống và đẻ trứng tại nơi có nước đọng. Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng.

Do đó, để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật dùng chứa nước. Bên cạnh đó, sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi, thả cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng.

Người dân có thể sử dụng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi bằng cách cho vào dụng cụ chứa nước, những khu vực đọng nước các chất như: muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc hóa chất chuyên dụng như: Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% để tiêu diệt lăng quăng.

Đặc biệt, không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước, lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng nơi bị đọng nước, che chắn tránh nước mưa; loại bỏ vật chứa, phế liệu, thu gom rác thải, không để các vật đọng nước phát sinh lăng quăng.

Người dân thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước, thay nước và chà rửa kỹ vật chứa nước, thực hiện định kỳ 5-7 ngày một lần; thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại