Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:29
RSS

Tổng hợp những cách điều trị mất ngủ ngay tại nhà hiệu quả nhất

Chủ nhật, 05/03/2023, 07:28 (GMT+7)

Có một vài phương pháp điều trị mất ngủ có thể áp dụng ngay tại nhà một cách dễ dàng, nhanh chóng, thậm chí khá rẻ tiền. Mỗi cách lại có mức độ hiệu quả cũng như các tiêu chí ưu – nhược điểm khác nhau, phù hợp cho những nhóm đối tượng khác nhau.

Hãy theo dõi theo những cách trị mất ngủ ngay tại nhà được chúng tôi cung cấp dưới đây để nắm rõ chi tiết.

1. Cách điều trị mất ngủ tại nhà không cần dùng thuốc

Chúng tôi sẽ đưa ra một vài hình thức vận động hoặc tác động có thể giúp cải thiện phần nào chứng mất ngủ như sau:

1.1. Ngồi thiền hỗ trợ trị mất ngủ

Ngồi thiền hay còn gọi là tịnh tâm, có nguồn gốc từ Ấn Độ, đi liền với Phật giáo, là một cách phổ biến giúp làm giảm căng thẳng đầu óc, giảm mệt mỏi, giúp thư giãn thần kinh và não bộ. Các chuyên gia cho biết, tư thế hoa sen khi ngồi thiền định sẽ dồn áp lực xuống dưới cơ thể, đưa dòng năng lượng đi ngược lên cột sống và tiến thẳng tới bộ não, hệ thần kinh, nhất là vùng đồi dưới của não, nhờ vậy giấc ngủ sẽ dễ dàng và sâu giấc hơn.

ngoi-thien-chua-mat-ngu

Để đạt được hiệu quả tốt, chúng ta cần thiền đúng cách:

Giai đoạn chuẩn bị:

  • Không gian yên tĩnh và giảm ánh sáng để tăng cường tập trung, có thể dùng thêm một chút nến thơm hoặc tinh dầu, hãy tắt hết tất cả các thiết bị điện tử xung quanh.
  • Nệm ngồi êm ái để thư giãn phần tọa, giúp ngồi thoải mái trong 15-30 phút liên tục.
  • Trang phục thoải mái, thoáng mát.
  • Chọn thời gian thiền: Có thể thiền sau khi ngủ dậy hoặc trước khi đi ngủ.

Giai đoạn ngồi thiền:

  • Ngồi trên nệm, lưng thẳng, đặt chân hình bán sen hoặc đài sen.
  • Đặt hai tay lên đầu gối, thả lỏng toàn bộ cơ thể.
  • Cằm cúi nhẹ, nhằm mắt.
  • Thở bằng mũi, tập trung vào hơi thở, loại bỏ dần những suy nghĩ vướng bận thường ngày.

Với phương pháp thiền để trị mất ngủ, chúng ta cần kiên nhẫn, thực hiện liên tục trong vài tuần, vài tháng và duy trì lâu hơn để thấy hiệu quả. Phương pháp này không cho thấy hiệu quả ngay tức thì nên rất cần sự kiên trì, bình tĩnh.

1.2. Yoga hỗ trợ trị mất ngủ

Yoga cũng là một giải pháp để cơ thể được thả lỏng và tập trung vào hơi thở nhiều hơn, giảm đi những căng thẳng và giúp cho giấc ngủ trở nên dễ dàng. Hãy lưu ý trong suốt quá trình tập luyện, cố gắng chỉ thở bằng mũi, hít thở theo nhịp đều đặn, không tập quá sức. Một số tư thế yoga có lợi cho người mất ngủ:

  • Tư thế em bé (wide-knee child’s pose).
  • Tư thế đứng thẳng gập người (standing forward bend).
  • Tư thế uốn gập người một nửa (standing half forward bend).
  • Tư thế gác chân lên tường (legs up the wall pose).
  • Tư thế nằm ngửa góc cố định (reclining bound angle).
  • Tư thế đặt chân lên ghế (legs on a chair pose).
  • Tư thế xác chết (corpse pose).

yoga-chua-tri-mat-ngu

1.3. Diện chẩn hỗ trợ trị mất ngủ

Diện chẩn là phương pháp bắt nguồn trong dân gian, được tổng hợp lại từ kinh nghiệm thực tế, với hai cách cơ bản phổ biến là xoa chân và gõ huyệt an thần. Diện chẩn nhằm tăng lưu thông máu toàn cơ thể, cải thiện sự căng thẳng, giúp người bệnh ngủ lại dễ dàng hơn.

  • Xoa ấm chân khiến cơ thể kích thích sinh nhiệt, vùng bụng và cổ cũng sẽ ấm lên, từ đó khí huyết lưu thông, người bệnh cảm thấy dễ chịu, ngủ ngon hơn. Chúng ta có thể ngâm chân nước ấm với tinh dầu, sau đó xoa chân đến khi nóng ấm.
  • Gõ huyệt an thần: Huyệt này nằm ở giữa hai lông mày, hay còn gọi là huyệt ấn đường. Chỉ cần dùng ngón tay giữa của bàn tay gõ vào huyệt, khoảng 100 cái trong 3 phút trước khi ngủ.

Diện chẩn cũng cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài để thấy hiệu quả.

2. Lời khuyên khi chữa mất ngủ tại nhà

Lời khuyên hữu ích nên áp dụng khi bị mất ngủ:

  • Có thời gian biểu cá nhân trong ngày, sắp xếp điều hòa hợp lý giữa công việc và cuộc sống. Nếu có thể, hãy tạm thời giảm bớt các yếu tố nguyên nhân gây nên căng thẳng, stress trong thời gian bị mất ngủ.
  • Quan tâm đến không gian ngủ: ánh sáng tối, yên tĩnh, sạch sẽ, nhiệt độ vừa phải…
  • Giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh: thức và ngủ đúng giờ, hạn chế ngủ ngày…
  • Ăn uống đủ chất, lành mạnh, tránh xa chất kích thích, kiêng đồ cay, dầu mỡ, đồ ăn nhanh…
  • Rèn luyện thể thao đều đặn, vừa sức.

3. Có nên sử dụng thuốc để chữa mất ngủ không?

Ngoài các biện pháp không dùng thuốc, với những trường hợp mất ngủ kéo dài, mất ngủ kèm theo nhiều triệu chứng và biến chứng phức tạp thì người bệnh cần phải sử dụng thuốc để điều trị hiệu quả hơn, tránh để tình trạng tiếp tục có diễn biến phức tạp khó kiểm soát.

3.1. Thuốc Tây y chữa trị mất ngủ

Bị mất ngủ nếu đi khám bác sĩ thì thông thường sẽ được bác sĩ kê đơn một số loại thuốc gây ngủ, thuốc an thần, trấn tĩnh, trị lo âu. Tùy thuộc vào mức độ của mỗi người mà bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc khác nhau, có thể liệt kê đến như: nhóm barbital, nhóm benzodiazepin, benzoctamin, buspiron, captodiam…

thuoc-tay-tri-mat-ngu

Các loại thuốc này có tác dụng nhanh, mạnh mẽ, giúp người bệnh ngủ được dễ dàng nhưng thực tế lại là giấc ngủ không tự nhiên, gượng ép, hệ thần kinh bị ức chế chứ hoàn toàn không theo cơ chế thông thường.

Chúng đa phần đều không được phép sử dụng liên tục trong thời gian dài vì để lại những tác dụng phụ không mong muốn, điển hình như mệt mỏi, khô miệng, đắng miệng, vật vã, lờ đờ, chếnh choáng, phụ thuộc thuốc, nhờn thuốc, đau đầu, mất ngủ nặng hơn, đau và căng cơ, mất phối hợp, lú lẫn, quên, ảo giác, co giật…

Xin lưu ý: Các loại thuốc Tây trị mất ngủ đều có nhiều trường hợp chống chỉ định, vậy nên người bệnh không tự ý mua và sử dụng nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.

3.2. Dùng thảo dược thiên nhiên hỗ trợ chữa mất ngủ

Dân gian vẫn truyền nhau khá nhiều mẹo sử dụng các loại thảo dược để cải thiện tình trạng mất ngủ. Có thể lấy ví dụ như: Tâm sen, hoa tam thất, cây lạc tiên, cây vông nem, cây bình vôi, cây nữ lang, long nhãn… Mỗi loại thảo dược lại có cách dùng và mức độ tác dụng khác nhau.

Nhìn chung, những thảo dược độc lập như vậy vẫn có dược tính riêng nhưng không mạnh, cho hiệu quả từ từ, cần dùng lâu dài mới thấy cải thiện và khó có hiệu quả với những trường hợp bị mất ngủ kinh niên.

Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ từng loại thảo dược trước khi sử dụng vì một số loại vẫn có độc tính, có thể gây sốc và ngộ độc nếu dùng không đúng cách hoặc lạm dụng.

3.3. Thuốc Đông y hoạt huyết trị mất ngủ

Do Đông y xác định nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng mất ngủ là do thiếu máu lên não (thiểu năng tuần hoàn não), nên các loại thuốc Đông y hoạt huyết thường có hiệu quả rất khả quan đối với chứng mất ngủ nói chung. Các loại thuốc này có thể giúp tăng cường lưu thông máu trong cơ thể và não bộ, tăng cường sức khỏe toàn thân nên khiến người bệnh cảm thấy khỏe khoắn hơn.

thuoc-dong-y-chua-thieu-ngu

Tuy nhiên, các loại thuốc hoạt huyết nói chung thường chỉ có thể mang lại hiệu quả tốt cho những trường hợp mất ngủ thể nhẹ, cấp tính. Còn đối với mất ngủ kinh niên mãn tính thì cần đến những công thức bài thuốc mang tính đặc trị hơn, có cơ chế đa tác động trực tiếp hơn vào bệnh mất ngủ, tăng cường hiệu quả tốt hơn.

Người ta vẫn nói: “Ăn được ngủ được là tiên/Biếng ăn mất ngủ là tiền bỏ đi”. Ngủ được xếp ở vị trí thứ hai trong “tứ khoái” của con người và chiếm đến 1/3 tổng thời gian sống của mỗi chúng ta.

Vậy nên, “đầu tư” cho giấc ngủ là cần thiết. Những người bị mất ngủ thường lựa chọn những cách điều trị mất ngủ tại nhà vì khá tiện lợi và dễ dàng, nhưng hãy lưu ý không phải cách nào cũng an toàn và hiệu quả.

Hãy hiểu rõ về nguyên nhân chính gây bệnh, sau đó tìm ra phương pháp có cơ chế đúng và phù hợp nhất để áp dụng, đó mới là cách chữa trị mất ngủ đúng đắn, hiệu quả và tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc.

thông tin tư vấn

DS. Nguyễn Hiền
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại