Người lao động làm việc ở nơi có nhiều tiếng ồn trong thời gian dài dễ bị điếc nghề nghiệp
'Sát thủ' tàn phá sức khỏe thầm lặng
Anh Vũ Văn Quảng (38 tuổi, Thái Bình) từng là nhân công tại xưởng hàn xì. Mới vào nghề hơn chục năm, đang ở tuổi thanh niên nhưng gần đây anh có biểu hiện “nặng tai”. Mỗi lần nói chuyện với bạn bè, anh Quảng nghe rất khó khăn, câu được câu mất, nhiều khi không theo kịp câu chuyện của bạn. Đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng, các bác sĩ chẩn đoán anh Quảng mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn trong một thời gian dài.
“Ban đầu, tôi nghe kém, nhưng không bao giờ nghĩ mình bị điếc. Đúng là đôi lúc tôi nghe không rõ người đối diện nói gì nhưng chỉ chủ quan là do đối phương nói nhỏ quá thôi. Đến thời điểm nghe trong tai có tiếng ù ù cạc cạc, lúc này tôi mới quyết định đi khám thì biết mình bị bệnh. Hiện tại tôi đã ngưng làm nghề chứ đã lãng tai mà tiếp tục phải làm việc trong môi trường tiếng động lớn thì điếc đặc hồi nào không hay”, anh Quảng buồn bã nói.
Anh Hoàng Lê Nam (26 tuổi, Nam Định) làm nghề thợ đá từ năm 16 tuổi, cũng có biểu hiện ù tai, nghe kém do thường xuyên phải tiếp xúc trong môi trường tiếng ồn. Sau khi tham khám anh cũng được chuẩn đoán bị mắc bệnh giảm thích lực do ảnh hưởng của tiếng ồn.
PGS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết bệnh điếc nghề nghiệp là tình trạng chấn thương âm thanh ở tai, do tiếng ồn ở môi trường lao động đạt đến mức gây hại, tác động trong một thời gian dài gây nên những tổn thương không hồi phục những tế bào thần kinh ở tai trong.
Những người làm việc ở các nhà máy, công trường, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có tiếng ồn lớn đều có thể bị điếc nghề nghiệp. Từ lâu điếc nghề nghiệp được công nhận là một bệnh nghề nghiệp (bệnh do nghề nghiệp gây ra và được hưởng đền bù, trợ cấp khi mắc bệnh).
Người bình thường mắc điếc nghề nghiệp khi tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ cao từ 85dB trở lên, thời gian tiếp xúc lâu từ 3 tháng trở lên với mỗi ngày ít nhất là 6 giờ.
Ở nước ta, điếc nghề nghiệp được công nhận là một trong 8 bệnh nghề nghiệp thường gặp. Tại các nước công nghiệp điếc nghề nghiệp đứng hàng đầu tổng các bệnh nghề nghiệp.
Bệnh âm ỉ lâu năm
Bệnh kéo dài, âm ỉ hàng năm, người bệnh thường không tự biết vì chỉ có một triệu chứng là nghe kém. Bệnh thường diễn biến làm 3 giai đoạn với thời gian khác biệt nhau tùy theo từng người.
Bệnh điếc nghề nghiệp chia ra làm 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu mệt mỏi thính giác, xảy ra vài tuần đến vài tháng sau khi tiếp xúc với tiếng ồn. Bệnh nhân cảm thấy ù tai, tức ở tai như bị nút tai, có cảm giác nghe kém vào cuối giờ lao động. Toàn thân suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ. Giai đoạn này thường ít được chú ý, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, cách ly tiếng ồn thính lực sẽ phục hồi hoàn toàn.
Giai đoạn 2 là giai đoạn tiềm tàng kéo dài 5-7 năm, nhiều người cũng chủ quan không biết mình bị bệnh điếc nghề nghiệp vì lúc này vẫn nghe được tiếng nói to ở nơi ồn ào, chỉ cảm thấy hơi trở ngại khi nghe âm nhạc. Đến giai đoạn 3 và 4 là giai đoạn nặng, kéo dài trên 10 năm, người bệnh khó chịu khi nghe, không nghe được tiếng nói thầm, đến giai đoạn điếc rõ rệt thì bệnh nhân bị ù tai thường xuyên, nói chuyện khó khăn, nói to cũng không nghe.
Theo BS An Bệnh điếc nghề nghiệp nếu không kịp thời phòng tránh sẽ để lại biến chứng là điếc vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi. Vì vậy, những người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp… có tiếng ồn lớn có thể tự bảo vệ sức nghe của tai bằng cách:
Để phòng bệnh điếc nghề nghiệp, PGS An cho biết các cơ sở lao động có tiếng ồn người bệnh cần sử dụng dụng cụ phòng hộ: loa che tai, nón che tai, nút bịt tai… Những dụng cụ này sẽ làm giảm từ 20 - 15dB nên sẽ đưa cường độ âm thanh gây hại cho tai giảm uống. Bạn nên lựa chọn những dụng cụ vừa khít với cấu trúc của tai bạn mà không gây khó chịu hay kích ứng, không làm ảnh hưởng đến quá trình lao động.
Không nên làm việc ở nơi có tiềng ồn lớn liên tục trong 8 tiếng, cần có thời gian ngắn nghỉ ngơi để phục hồi thính lực.
Khi phát hiện có dấu hiệu ù tai, nghe kém… người bệnh cần tìm đến các chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Đối với người quản lý nên sắp xếp thời gian cho người lao động nghỉ ngơi yên tĩnh trong những giờ nghỉ giữa ca hoặc nghe nhạc với cường độ nhẹ. Đồng thời, sử dụng những thiết bị máy móc có tiếng ồn không quá lớn, giúp môi trường làm việc của công nhân được yên tĩnh và an toàn hơn.
Trong trường hợp người lao động bị giảm thính lực, cần đo thính lực để phát hiện điếc nghề nghiệp, đồng thời nếu chưa bị biếc nghề nghiệp thì cần được bố trí lao động ở nơi ít tiếng ồn để bệnh không tiến triển.
Xem thêm: Bác sĩ dạy cách vệ sinh mũi tại nhà đúng chuẩn để cả năm bé không bị bệnh hô hấp