Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:22
RSS

Trẻ bị điếc đặc, liệt mặt do sai lầm của cha mẹ khi chữa viêm tai giữa

Thứ năm, 08/11/2018, 07:19 (GMT+7)

Dưới đây là những sai lầm của cha mẹ khi chữa viêm tai giữa khiến bệnh của trẻ ngày càng trầm trọng, thậm chí dẫn đến biến chứng như điếc đặc, liệt mặt.

Trẻ bị điếc đặc, liệt mặt do sai lầm của cha mẹ khi chữa viêm tai giữa
PGS TS Nguyễn Thị Hoài An cảnh báo nhiều cha mẹ tự ý điều trị viêm tai giwuax cho con khiến bệnh ngày càng tăng nặng

Viêm tai giữa là bệnh hay gặp ở trẻ, đây là hậu quả của sự viêm nhiễm đường hô hấp trên. Căn bệnh này là nỗi ám ảnh đối với nhiều bậc phụ huynh vì rất dễ tái đi tái lại.

Theo các bác sĩ, nếu được chăm sóc và điều trị đúng, đa số các trường hợp viêm tai giữa sẽ khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh khi thấy con bị viêm tai giữa lại thường tự mua thuốc hoặc chữa bệnh theo các phương pháp truyền tai nhau, khiến nhiều trẻ mắc bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng nguy hiểm tính mạng. 

Dưới đây là những sai lầm nghiêm trọng của phụ huynh khiến bệnh viêm tai giữa của con ngày càng trầm trọng.

Tự tra thuốc 

Khi biết con bị viêm tai, các bậc phụ huynh thường tự ra hiệu thuốc nhờ dược sĩ tư vấn dùng thuốc thay vì đi khám. Tuy nhiên, theo PGS TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt việc này là vô cùng nguy hiểm bởi không phải thuốc nào, kháng sinh nào cũng có thể sử dụng để chữa viêm tai giữa.

Phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị vì một số loại kháng sinh có thể gây độc cho tai, chất độc qua tai giữa ngấm vào tai trong có thể gây viêm nhiễm nặng hơn thậm chí là điếc đặc. 

Bác sĩ An lấy ví dụ nhiều trường hợp các gia đình giã bột clorocid đổ vào tai con. Tuy nhiên, nếu mủ không thể chảy ra ngoài có thể tấn công vào phía màng não, vào dây thần kinh gây nên những biến chứng nặng nề như liệt mặt thậm chí điếc tai.

Trẻ bị điếc đặc, liệt mặt do sai lầm của cha mẹ khi chữa viêm tai giữa
Nhiều trẻ đã bị thối tai, hỏng tai do cha mẹ tự điều trị viêm tai giữa

Phớt lờ nước mũi

Viêm tai thường đi kèm với chảy nước mũi. Đầu tiên sẽ chảy nước mũi, sau đó là viêm tai. Đa số các bố mẹ đều chú tâm vào chữa tai và bỏ qua chứng sổ mũi mà không biết rằng cần phải điều trị cả hai.

PGS TS Nguyễn Thị Hoài An phân tích, gốc rễ của viêm tai giữa không phải từ trong tai mà phát sinh từ đường hô hấp trên, tức là phải qua giai đoạn viêm mũi họng rồi mới vào tai.

Vì vậy, nếu trẻ không có chảy mủ tai thì không nên can thiệp vào tai. Thay vào đó nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ kê các loại thuốc kháng sinh để điều trị, làm khô mũi, lúc này tai sẽ khỏi dần. 

Điều quan trọng là dạy trẻ xì mũi đúng cách: giữ một bên mũi, còn một bên xì ra chất nhày. Sau đó lặp lại với mũi còn lại. Nếu xì một lúc 2 mũi, chất nhày có thể lọt vào ống tai, gây ra viêm.

Kiên quyết không dùng kháng sinh

Nhiều phụ huynh hiện nay có tâm lý sợ, không muốn dùng kháng sinh mà tự chữa bệnh bằng cách cách thức được truyền tai nhau. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh nhiều trường hợp trẻ không khỏi mà bệnh ngày càng nặng hơn.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn – Chủ tịch Hội tai mũi họng Hà Nội Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, những biến chứng do điều trị sai lầm bệnh viêm tai giữa không phải hiếm, thậm chí có những trẻ đã bị thối tai, hỏng tai do cha mẹ tự điều trị cho con.

Trong trường hợp tai bé đã vỡ mủ thì phải dùng kháng sinh nước dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. 

Sử dụng các bài thuốc dân gian

Bên cạnh việc tự ý mua thuốc, nhiều cha mẹ cũng tin dùng các bài thuốc dân gian được chia sẻ trên mạng xã hội như chữa viêm tai giữa bằng mật cá, tổ bọ ngựa hay sáp ong...

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng nhiều trẻ bố mẹ áp dụng cách thổi thuốc vào tai trẻ, khiến dịch viêm tai ứ lại không thoát được cũng gây ra thối tai. BS Sơn khuyến cáo, các bậc phụ huynh tuyệt đối không thổi các thuốc bột hay thuốc đông y nào vào tai khi trẻ bị viêm tai giữa.

Nếu phụ huynh muốn áp dụng biện pháp dân gian thì nên đưa trẻ đến bệnh viện nơi có khoa đông y để chữa trị. Và dù áp dụng phương pháp nào, cha mẹ cũng phải hết sức cẩn trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ.


Xem thêm video: TAND Tối cao sẽ rà soát vụ lùi xe trên cao tốc Hà Nội

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN