Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, mới đây nhất tại các website như http://ehospital.vn/, http://voila-blog.com/, http://tacdungcuathuoc.net/ có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Heposal có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo.
Các sản phẩm này được Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI, có địa chỉ tại Thửa đất số 24 lô 06 khu 4.1CC Tuyến phố Láng Hạ - Thanh Xuân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Tuy nhiên đại diện công ty lại khẳng định: Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Heposal đang quảng cáo trên các website http://ehospital.vn/, http://voila-blog.com/, http://tacdungcuathuoc.net/ không phải do Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng, và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận
Cũng theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, chỉ tính từ cuối tháng 4/2018 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 12 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, với tổng số tiền 475 triệu đồng. Các doanh nghiệp này đều vi phạm quảng cáo không đúng nội dung hoặc quảng cáo khi không được cơ quan chức năng cho phép. Cùng với số tiền xử phạt, Cục ATTP còn buộc các cơ sở tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Trước đó, hồi tháng 4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cơ sở bị phạt nặng nhất 225 triệu đồng là Công ty TNHH công nghệ phần mềm và quảng cáo trực tuyến Megaads (Hà Nội).
Công ty này đã quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex, Collagen de happy, Biotin Nature made trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo; quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex trên website dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.
Bên cạnh đó, công ty này cũng buôn bán 119 sản phẩm thực phẩm không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Từ tháng 1 đến ngày 24/4, các đoàn (trung ương, địa phương) thanh kiểm tra, hậu kiểm gần 159.000 cơ sở trên cả nước. Trong đó trên 31.000 cơ sở bị xử lý vi phạm từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền; chiếm khoảng 19%; với gần 20 tỷ đồng tiền phạt.
Ngoài xử phạt hành chính, cơ quan chức năng cũng đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; gần 1.500 cơ sở bị buộc phải tiêu huỷ sản phẩm vì không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng...).