Tin tức trong ngày 8/7, liên quan đến thông tin hàng chục đơn vị vận tải xe buýt TP.HCM doạ ngưng hoạt động từ 15/8 vì nợ nần đang gây hoang mang dư luận, ngày 8/7, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM khẳng định không có sự việc trên.
Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, các bài viết đưa tin về việc nhiều hợp tác xã vận tải xe buýt tại TP.HCM đang cùng nhau ký vào đơn kiến nghị khẩn cấp để gửi đến HĐND, UBND TP về khả năng phải tạm ngưng hoạt động từ ngày 15/8 là không đúng sự thật.
Không có chuyện xe buýt phải tạm ngưng hoạt động từ ngày 15/8
Trước thông tin trên, ngày 7/7, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đã có buổi làm việc với 12 doanh nghiệp đang hoạt động xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp vận tải khẳng định, mặc dù gặp một số khó khăn về chi phí hoạt động nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực, ổn định hoạt động xe buýt để phục vụ người dân, không có việc ngưng hoạt động từ ngày 15/8 như nội dung các báo đã đăng tải.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp 15, HĐND Đà Nẵng Khóa IX ngày 8/7, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng khẳng định, không có trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho cá nhân là người nước ngoài.
Ông Tô Văn Hùng cho biết, theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành thì cá nhân là người nước ngoài không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại Việt Nam
Kỳ họp 15, HĐND Đà Nẵng Khóa IX ngày 8/7
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (thời hạn thuê đất theo thời hạn của dự án đầu tư nhưng không quá 50 năm). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn là giá trị QSDĐ thì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng QSDĐ theo quy định.
Đồng thời, đối với các dự án, khu đất thuộc khu vực ven biển, biên giới biển theo quy định thì các sở, ngành có liên quan đã tham mưu UBND thành phố có văn bản xin ý kiến của 3 bộ là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Ông Phạm Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc vừa ký báo cáo gửi UBND tỉnh Kiên Giang về kết quả lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập TP Phú Quốc và kết quả thành lập các phường thuộc TP Phú Quốc.
Theo đó, huyện Phú Quốc đã tổ chức lấy ý kiến của 62.284/64.263 cử tri ở 10 xã/thị trấn về việc thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Trong đó, có 61.870 cử tri đồng ý với đề án, chiếm tỉ lệ 96,28%.
Đảo Phú Quốc
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng có Tờ trình gửi Thủ tướng về việc đề nghị phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Phú Quốc đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ 1/10.000.
Theo đề án, TP Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 589,27 km2 diện tích tự nhiên, dân số 179.480 người và 09 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Phú Quốc gồm: 02 phường và 07 xã (nhập xã Hòn Thơm vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới - giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã).