Tin tức thế giới 30/4, Mỹ có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép thuốc điều trị Covid-19. Điều này đang dần trở thành hiện thực khi rạng sáng nay theo giờ Việt Nam các nhà khoa học Mỹ đã công bố kết quả khả quan của việc thử nghiệm loại thuốc điều trị Covid-19 có tên là Remdesivir.
Mỹ có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép thuốc điều trị Covid-19
Tại Nhà Trắng, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ thông báo: kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc Remdesivir có tác dụng rõ ràng và tích cực trong việc rút ngắn thời gian hồi phục của người bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Cụ thể là bệnh nhân sử dụng thuốc thử nghiệm trung bình mất 11 ngày để phục hồi, so với thời gian 15 ngày ở những bệnh nhân không dùng thuốc thử nghiệm.
Thuốc Remdesivir là sản phẩm của một hãng dược phẩm sinh học của Mỹ có tên là Gilead Sciences. Kết quả thử nghiệm loại thuốc này cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong trong nhóm bệnh nhân được điều trị thử nghiệm bằng thuốc Remdesivir cũng có xu hướng thấp hơn so với tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân không sử dụng thuốc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm này đã được tiến hành với trên 1.000 bệnh nhân Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới Cơ quan chức năng của Mỹ được cho là sẽ sớm cấp phép sử dụng loại thuốc này.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm 30/4 cho biết sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trước khi quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với Covid-19. Quyết định về việc này sẽ được công bố trước ngày 7/5.
Nhật Bản cân nhắc kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với Covid-19
Trong khi các nước đang dần dỡ bỏ các hạn chế ngăn chặn đại dịch Covid-19, số ca nhiễm ở Nhật Bản, đặc biệt tại Thủ đô Tokyo lại tăng vọt khiến Chính phủ Nhật Bản phải cân nhắc đến việc gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, dự kiến kết thúc vào ngày 6/5 thêm 1 tháng.
Một quan chức trong Chính phủ Nhật Bản cho biết, nếu số người nhiễm Covid-19 không giảm xuống mức 20 – 30 ca 1 ngày thì khó có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hiện nay.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ nên hành động và quyết liệt hơn trong một thời gian ngắn, vì nếu tình trạng này tiếp diễn thì không những hệ thống y tế mà nền kinh tế Nhật Bản sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại hơn.
Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu khả năng sử dụng máu nhân tạo trong điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Chế phẩm được nhắc đến lúc này là Perftoran - một loại thuốc "bị quên lãng" sau khi được Viện Vật lý Y sinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sáng chế và thử nghiệm vào những năm 1980, để có thể thay thế bất kỳ nhóm máu nào trong cơ thể.
Nga đang nghiên cứu khả năng sử dụng máu nhân tạo trong điều trị các bệnh nhân Covid-19
Perftoran còn được gọi là "máu xanh" do có màu sắc như vậy. Với các thành phần có khả năng kích hoạt các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ cung cấp oxy trong cơ thể. Các hạt "máu xanh" bé hơn 100 lần so với hồng cầu. Chúng có thể đưa oxy xuyên qua nơi mà các hồng cầu bị mắc kẹt do co thắt mạch máu hoặc huyết khối. Tính năng này, theo các nhà nghiên cứu, có thể giúp các bệnh nhân khi bị tổn thương phổi và mạch máu.