Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:59
RSS

Tiền giả “tái xuất” ngày Tết, Ngân hàng cảnh báo cách nhận biết ai cũng phải nhớ

Thứ hai, 02/01/2017, 09:49 (GMT+7)

Càng gần Tết, các loại tội phạm diễn biến càng phức tạp. Một trong những loại tội phạm thường gia tăng vào thời điểm này là tội phạm buôn bán tiền giả.

Đối tượng buôn tiền giả "lộng hành" ngày cuối năm

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng thời gian gần Tết để mua bán, vận chuyển tiền giả từ các nước khác vào Việt Nam tiêu thụ.

Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 23/12/2016. Khoảng 18h30 ngày 21/12, Phòng Cảnh sát hình sự – Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Chi cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam tuần tra tại khu vực xã Tân Mỹ (Văn Lãng) phát hiện đối tượng Phạm Thành Chung (32 tuổi, quê ở Thái Bình) đang vận chuyển gần 100 triệu đồng tiền giả. Chung khai mua tiền giả giáp biên giới để mang về quê tiêu thụ.

 Cùng ngày, lực lượng chức năng cũng thu giữ thêm gần 100 triệu đồng tiền giả của Đỗ Trọng Thủy (30 tuổi, quê ở Nam Định) tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam.

Trước đó, khoảng 15h ngày 22/10, tại khu vực mốc 1107 (thuộc địa phận huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), lực lượng chức năng cũng bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đăng Tùng (SN 1984, quê ở Bắc Ninh) vượt biên và vận chuyển trái phép số lượng lớn tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Qua kiểm tra, trong túi của Tùng mang theo có 2.500 tờ tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng và 200 tờ loại mệnh giá 500.000 đồng…

Đối tượng Đỗ Ngọc Thủy cùng tang vật tại cơ quan công an

Theo các cơ quan chức năng, hiện tay, chiêu làm tiền giả hết sức tinh vi.  Phát biểu với báo giới, đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết không thể căn cứ vào các chữ cái trên để xác định tiền thật, tiền giả.

Theo vị này, một tờ tiền luôn có xêri bao gồm tổ hợp các chữ cái và số, khi sử dụng hết bộ số sẽ nhảy một chữ cái để sử dụng lại bộ số đó. Do vậy dùng yếu tố “hai chữ cái đầu dãy xêri” để phân biệt là không chính xác.

Cách phân biệt

Nhìn vào Quốc huy sẽ thấy sự khác nhau giữa tiền giả và tiền thật

Nhìn vào Quốc huy sẽ thấy sự khác nhau giữa tiền giả và tiền thật

  • Soi tiền trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị. Ở tiền giả, hình bóng chìm không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét, một số trường hợp không có yếu tố này. Hình định vị không khớp khít.

  • Vuốt nhẹ tiền sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in ở: chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Ở tiền giả, vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lỳ, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in.

  • Chao nghiêng tiền để kiểm tra mực đổi màu, Iriodin, hình ẩn nổi. Mực đổi màu (OVI) khi nhìn thẳng là màu vàng, đổi sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng Iriodin là dải màu vàng chạy dọc tờ bạc, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng.

  • Khi đặt tiền nằm ngang tầm mắt nhìn thấy chữ “VN” nổi rõ ở mệnh giá tiền 200.000, 10.000 đồng; chữ “NH” ở mệnh giá 50.000, 20.000 đồng. Ở tiền giả, có yếu tố OVI nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật, không có yếu tố Iriodin hoặc có in giả dài màu vàng nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.

  • Để kiểm tra tiền, đó là kiểm tra các cửa sổ trong suốt, ở cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi tinh xảo. Ở cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn (DOE) khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa…) sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả, cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh ảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.

An Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus