Thứ ba, 19/03/2024 | 09:02
RSS

Thực phẩm 'vàng' để mẹ đảm giúp trẻ tăng tối ưu chiều cao

Chủ nhật, 01/12/2019, 11:19 (GMT+7)

Để giúp trẻ tăng chiều cao như ý, mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và thời kỳ tăng trưởng chiều cao của trẻ để có chế độ chăm sóc hợp lý.

Theo nghiên cứu, có ba giai đoạn cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao của trẻ. Một là thời kỳ bào thai: Trong 9 tháng mang thai, nếu người mẹ được ăn uống tốt sẽ tăng từ 10-20 kg thì con sẽ đạt được chiều cao 50 cm lúc chào đời và nặng từ 3 kg trở lên. Hai là giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi: 12 tháng đầu trẻ tăng 25 cm, 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10 cm nếu được nuôi dưỡng tốt. 

Thực phẩm 'vàng' để mẹ đảm giúp trẻ tăng tối ưu chiều cao
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng giúp trẻ tăng chiều cao. 

Ba là thời kỳ dậy thì: Con gái từ 10-16 tuổi và con trai từ 12-18 tuổi là tuổi dậy thì. Trong thời gian dậy thì, cơ thể sẽ có 1-2 năm chiều cao tăng vọt từ 8-12 cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể xác định chính xác năm đó là năm nào, nên vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ trong suốt thời gian dậy thì để trẻ phát triển.

Sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm, tổng cộng số tăng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của thời kỳ dậy thì. Dưới đây là một số thực phẩm mà BS. Hồ Hạnh tư vấn trên sức khỏe & Đời sống giúp trẻ tăng chiều cao:

Sữa và thực phẩm làm từ sữa: Sữa là thức uống giàu canxi giúp thúc đẩy quá trình phát triển, đồng thời giúp xương bé trở nên chắc khỏe. Bên cạnh đó, vitamin A có trong sữa giúp cơ thể trẻ hấp thu canxi tốt hơn. Sữa cũng là nguồn cung cấp protein rất tốt, giúp tăng trưởng các tế bào trong cơ thể. Do đó, nên cho trẻ uống từ 2 - 3 ly sữa mỗi ngày.

Thực phẩm giàu protein từ động vật: Thịt gà là món ăn luôn hấp dẫn trẻ nhỏ. Đây là loại thịt rất tốt cho trẻ, giàu protein, giúp tăng trưởng, phát triển chiều cao nhanh chóng và xương dẻo dai hơn. Thịt bò cũng là loại thực phẩm tốt để phát triển chiều cao. Thức ăn giúp phát triển chiều cao tốt nhất là cá. Cá hồi và cá ngừ là hai loại cá rất giàu vitamin D và protein. Trẻ dùng nhiều cá ngừ sẽ giúp tăng chiều cao.

Trái cây và rau quả tươi: Việc hấp thụ nhiều rau quả tươi cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Những loại trái cây như đu đủ, cà rốt, bông cải, rau bó xôi là những loại thực phẩm giàu chất xơ, kali, folate, đặc biệt là vitamin A, sẽ giúp phát triển xương và mô cho trẻ. Ngoài ra, vitamin C trong những loại trái cây có múi cũng hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ.

Ngũ cốc: Không những là nguồn năng lượng dồi dào mà còn là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, sắt, magiê và selen. Ngoài ra, ngũ cốc còn rất giàu calorie, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Điển hình như gạo lứt, mì ống và lúa mì nguyên chất là thực phẩm giúp trẻ phát triển chiều cao.

Bột yến mạch: Đây là loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm và có hàm lượng chất béo thấp, protein trong yến mạch có khả năng kích thích tăng chiều cao, cân nặng ở trẻ, nên khuyến khích bé dùng yến mạch vào mỗi buổi sáng.

Trứng: Trong trứng chứa chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thụ, chứa nhiều axit amin hỗ trợ hoạt động của cơ bắp, enzym, là chất dinh dưỡng có vai trò lớn trong việc nâng cao chiều cao của trẻ. Theo các chuyên gia, trong 100g trứng gà có chứa 10,8g protein. Trung bình 1 quả trứng lớn có 2,7g protein từ lòng đỏ và 3,6g protein từ lòng trắng. Ngoài ra, trong lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như sắt, vitamin A, kẽm. Đây cũng là một thực phẩm tuyệt vời nhất để cung cấp protein cho cơ thể.

Đậu nành: Là thực phẩm giàu protein nhất trong các thực phẩm giúp trẻ phát triển chiều cao có nguồn gốc từ thực vật, hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển xương của trẻ.

Cần chú ý: Dinh dưỡng đóng góp đến 32% vào sự phát triển chiều cao của trẻ. Dinh dưỡng cần phải có đủ năng lượng phù hợp với từng lứa tuổi. Nếu quá ít bé sẽ suy dinh dưỡng nhưng quá nhiều lại gây béo phì.

Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm (chiếm 10-15% tổng năng lượng), tinh bột (chiếm 60-65% tổng năng lượng), chất béo (chiếm 10% tổng năng lượng) và vitamin và khoáng chất. Không nên ăn bất cứ thứ gì quá nhiều,  gây mất cân bằng.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN