Thứ tư, 24/04/2024 | 13:03
RSS

Thừa Thiên - Huế: Ưu tiên hàng đầu là an toàn cho học sinh khi học trực tiếp

Chủ nhật, 13/02/2022, 14:55 (GMT+7)

Để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung triển khai nhiều biện pháp theo quy định phòng, chống dịch Covid-19.


Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra công tác dạy học tại trường Tiểu học Quang Trung.

Thích ứng linh hoạt 

Theo Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, để chuẩn bị cho công tác đón học sinh trở lại trường sau kì nghỉ Tết, các cơ sở giáo dục đã tổ chức vệ sinh khử khuẩn trước khi hoạt động trở lại.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho toàn cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, Sở GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng chống dịch, đồng thời tăng cường kiểm tra, nắm tình hình cơ sở để hướng dẫn có biện pháp trong phòng chống dịch cũng như chỉ đạo công tác dạy học phù hợp.


Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi đến trường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế (tính đến ngày 21/1/2022, toàn tỉnh có 2.948 giáo viên, học sinh F0, trong đó có 320 giáo viên), Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế và các địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên (21.931 người, đạt tỷ lệ 98,81%) và học sinh từ 12 đến 18 tuổi (91.740 em, đạt tỷ lệ 97,84%) đảm bảo an toàn.

"Đơn vị đã phối hợp tốt với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế để thống nhất trong công tác tham mưu cho tỉnh, cũng như chỉ đạo, theo dõi trong công tác phòng chống dịch và tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt.

Phối hợp chặt chẽ với Đài PTTH tỉnh xây dựng và phát sóng các tiết dạy truyền hình, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách giáo dục trong tình hình mới”, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết thêm.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và các kế hoạch, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đã triển khai việc dạy học linh hoạt và cơ bản đảm bảo theo đúng chương trình, kế hoạch dạy học.

Theo Sở GD&ĐT, đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã tổ chức kiểm tra học kỳ, sơ kết học kỳ I và dạy học chương trình học kỳ II theo kế hoạch.

Qua kết quả dạy học và kiểm tra học kỳ I cho thấy mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức dạy học và các kế hoạch giáo dục trong nhà trường, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, thích ứng kịp thời với mọi hoàn cảnh của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nên chất lượng giáo dục cơ bản đảm bảo, học sinh được cung cấp đầy đủ kiến thức theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT.

Cùng với đó, Sở đã tổ chức giao ban trực tuyến toàn ngành để hướng dẫn trước khi nghỉ và ngày học đầu tiên sau khi học sinh trở lại trường sau Tết.

Đặc biệt, hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các đơn vị sẵn sàng điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường. Ngày 8/2 (ngày học thứ 2 học sinh bắt đầu đi học lại sau Tết), tỷ lệ trường, học sinh đi học trực tiếp khá cao. Trong đó, 100% trường TH, THCS, THPT, 94,1% trường mầm non tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp; tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp toàn tỉnh đạt 70,7%...

Tập trung triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn

Để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn, kế hoạch cụ thể cho các phòng giáo dục các địa phương, bằng các giải pháp mang tính thống nhất, có một khung chung để triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, đến các cơ sở giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể đến các địa phương để đảm bảo an toàn về các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Các đơn vị liên quan, phải có rà soát, đánh giá trên cơ sở học kỳ I, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, hướng dẫn để đảm bảo các điều kiện cho việc dạy học trực tiếp tại trường học.

“Ngành Giáo dục và Đào tạo cần rà soát các cơ chế, chính sách, tham mưu UBND tỉnh để có phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, nhân viên trong trường học. Cần chủ động linh hoạt, có phương án, kịch bản thích ứng an toàn, kiên trì "mục tiêu kép" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tổ chức dạy học để bảo đảm nội dung, chương trình đề ra.

Cùng với đó vận động, khuyến khích, động viên phụ huynh học sinh chủ động tầm soát cho các cháu trước đưa đến trường học, trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác tầm soát, xét nghiệm. Các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần chủ động tạo kênh thông tin liên lạc đến với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin.

Đối với việc xử lý F0 trong nhà trường, cần tiến hành bóc tách các F0, F1 (tiếp xúc gần), rồi đảm bảo việc học cho các em học sinh. Hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện để đảm bảo học tập an toàn, đảm bảo quy định phòng chống dịch”, ông Bình nói thêm.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục phối hợp Sở Y tế tiến hành kiểm tra, rà soát các giáo viên và học sinh chưa tiêm vắc xin, để tiến hành tiêm đảm bảo độ bao phủ vắc xin. Ngành giáo dục cần phân luồng nhóm các học sinh ở các cấp học, để tổ chức dạy phụ đạo cho các em, đảm bảo kết thúc học kỳ II theo đúng kế hoạch đề ra.

Các trường học lựa chọn tổ chức các hoạt động, đảm bảo các quy định, ưu tiên hỗ trợ nâng cao chất lượng cho các em học sinh. Ngành Giáo dục cần tổ chức đoàn kiểm tra để kịp thời có hướng dẫn, đưa ra các giải pháp hỗ trợ các địa phương, đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp, sẵn sàng kịch bản ứng phó dịch trong trạng thái bình thường mới.

Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận 23.462 ca F0 có mã bệnh, đang thu dung điều trị 2.321 ca. Tổng số bệnh nhân tử vong đến nay là 161 ca.

Nhật Quỳnh
Theo Giáo dục & Thời đại