Trong khi xe tăng T-90 và Su-35, thậm chí Mi-24 thể hiện rất tốt sứ mệnh của mình tại Syria, không những giúp Nga tạo dựng vị trí chiến lược mà còn giúp ngành công nghiệp quốc phòng nước này ký kết được các hợp đồng lớn, thì Mi-28 lại có màn thể hiện nhạt nhòa, thậm chí còn tổn thất khi một chiếc bị rơi.
Lần duy nhất Mi-28 được tung hô ở Syria là khoảng tháng 3 năm nay. Trực thăng Mi-28 của không quân Nga chi viện hỏa lực giúp quân đội chính phủ Syria tấn công phiến quân IS ở gần thành cổ Palmyra.
Theo chỉ huy chiến dịch giải phóng Palmyra, trực thăng tấn công Nga phóng rocket tiêu diệt một xe tăng, hai xe chiến đấu bọc thép và hàng chục phiến quân, giúp quân chính phủ đánh chiếm những vị trí quan trọng trên địa hình sa mạc trống trải ở Palmyra.
Lúc đầu những siêu tăng bay này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều kỳ tích không những trong màn thể hiện mà còn trên thị trường xuất khẩu.
Mặc dù ra đời đã lâu, lại được tung hô vượt trội so với người tiền nhiệm Mi-24. Tuy nhiên cho tới nay nó vẫn chật vật trong vấn đề tìm khách hàng.
Thực tế thì theo đánh giá của các chuyên gia, không thể phủ nhận sức mạnh của Mi-28 so với người tiền nhiệm Mi-24. Tuy nhiên nếu so giá trị kinh tế phải bỏ ra sở hữu Mi-28 thì người ta mua Mi-35 (phiên bản hiện đại hóa của Mi-24) sẽ được lợi hơn nhiều.
Không những thế, nếu Mi-24 nổi danh trên chiến trường thì Mi-28 vẫn gắn liền với những vụ tai nạn. Vụ tai nạn đầu tiên liên quan tới Mi-28N được ghi nhận chính thức vào năm 2009.
Trong lúc triển khai hỏa lực từ khẩu pháo 30mm, hệ thống tự động bị hỏng và máy tính đã kích hoạt phóng tên lửa không điều khiển. Bọt khí lọt vào trong động cơ khiến áp suất tăng. Kíp lái phải hạ cánh khẩn cấp và chiếc trực thăng đã bị hư hỏng nặng.
Và thảm họa xảy ra mới đây tại Syria vào đêm ngày 12/4/2016, khi một chiếc “Thợ săn đêm” đã bị rơi tại khu vực thành phố Homs. Phi công Andrei Okladmnikov và hoa tiêu Victor Panko đã hi sinh. Một trong những giả thiết của vụ tai nạn – lỗi kỹ thuật.
“Mi-28” có rất nhiều những điểm yếu khiến cho khả năng sinh tồn của tổ lái giảm đi rất nhiều trên chiến trường. Trên “Thợ săn đêm” không có hệ thống phóng dù cứu nạn giúp cho tổ lái sống sót trong những điều kiện khó khăn nhất.
Cận cảnh Mi-28. Nguồn: Military Weapons