Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:54
RSS

Thịt cóc có thật sự trị được bệnh còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ?

Thứ ba, 14/02/2017, 19:15 (GMT+7)

Để khắc phục bệnh còi xương, không ít phụ huynh chọn thịt cóc cho con ăn. Tuy nhiên nó có chữa bệnh còi như mọi người nghĩ không?

Ăn thịt cóc... phải đi cấp cứu

Trường hợp bé N.N.M  bị ngộ độc do ăn thịt cóc. Theo lời mẹ của cháu M, vì thấy cóc trong vườn nhà nhiều, vợ chồng chị làm thịt cho con ăn. Khi thịt cóc, hai vợ chồng đã lột sạch da, bỏ hết nội tạng nhưng thấy bộ trứng ngon, chị để lại bộ trứng cóc nướng lên cho con ăn.

Sau khi ăn chừng 30 phút, bé M có dấu hiệu mệt lả, nôn liên tục, gia đình cũng nghĩ ngay đến ngộ độc cóc và đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Thấy con lười ăn, chị Nguyễn Mai Trang (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cũng đặt mua một cân ruốc cóc của người bán rong về cho con ăn với giá 2 triệu đồng. Chưa thấy chữa được bệnh còi xương ăn khoảng 1 tuần, con chị bị tiêu chảy nên chị quyết định dừng.

Thịt cóc, ruốc cóc vẫn thường được nhiều người truyền tai nhau về tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, chống suy dinh dưỡng, chống còi xương, giúp tăng chiều cao cho trẻ... Tuy nhiên giá trị dinh dưỡng thịt cóc không hiệu quả đến mức như nhiều bố mẹ nghĩ.

Theo BS Thu Hoài, nguyên cán bộ dinh dưỡng BV Thanh Nhàn, thịt cóc cũng có hàm lượng đạm như các loại thịt khác. Điều này chứng minh thịt cóc không thể điều trị và phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ em. 

Mặt khác, các chất độc chứa trong cóc rất nguy hiểm nên các phụ huynh không nên cho trẻ ăn thực phẩm này. Nếu như trẻ có dấu hiệu còi xương các bà mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, ếch, lươn, thịt, cá, tôm, cua, trứng… cho trẻ tắm nắng thường xuyên để hấp thu tốt vitamin D. 

Thịt cóc không chữa bệnh còi như mọi người nghĩ (Ảnh minh họa: Internet)

Chia sẻ về vấn đề giá trị của thịt cóc có chữa được bệnh còi xương BS Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, phân tích thịt cóc có giá trị dinh dưỡng như các loại thịt khác chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn, hàm lượng canxi và vitamin D rất ít, mà trẻ còi xương chủ yếu thiếu hàm lượng canxi và vitamin D là chính. Trong khi đó nếu sử dụng  thịt cóc tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chúng ta chẳng may ăn phải độc tố của thịt cóc rất nguy hiểm. Bởi trong cóc có chứa độc tố bufotoxine đây một chất cực độc, có trong gan, trứng, da, mủ mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây ngộ độc chết người trong thời gian rất ngắn.

Thịt cóc không có tác dụng trị bệnh còi xương

Bs Hằng, BV Nhi Trung ương, lý giải có nhiều nguyên nhân dẫn đến còi xương ở trẻ nhỏ do được nuôi dưỡng không đầy đủ chất dinh dưỡng, không đúng cách, do sinh non hay bị các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài hoặc người mẹ khi mang thai không ăn uống đầy đủ, hay các bé phải sống trong môi trường thiếu ánh sáng mặt trời cũng dễ bị triệu trứng còi xương do thiếu vitamin D.

Trẻ bị còi xương có dấu hiệu chậm lớn, nhẹ cân, ăn không ngon, hay quấy khóc, đầy bụng, táo bón, ngủ hay giật mình, đổ mồ hôi, rụng tóc, chậm mọc răng, chậm các khả năng lật, bò, bị biến dạng lồng ngực, xương sườn cong, vòng cổ tay, cổ chân phình to bất thường, đầu méo…

Trong trường hợp trẻ bị còi xương nặng thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không nên tự ý bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.

Trường hợp khi bị ngộ độc thịt cóc sau khi ăn, trẻ thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời, BS Hằng nhấn mạnh.

Chính vì thế các bậc cha mẹ không nên mạo hiểm cho trẻ ăn thịt cóc vì nghĩ bổ. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm hơn. 

Để tránh bị ngộ độc thịt cóc tốt nhất không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nhưng nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc, không sử dụng các sản phẩm bột, ruốc thịt cóc không rõ nguồn gốc.


Theo Sức khỏe đời sống