Ế ẩm kênh truyền thống
Thời điểm này, trên thị trường Hà Nội ngập tràn các sản phẩm tiêu dùng phục vụ Tết. Tại các chợ truyền thống cũng như các đại lý, cửa hàng tiện lợi cũng vậy. Tuy nhiên, không giống cảnh người mua kẻ bán tấp nập như mọi năm, Covid-19 khiến cho không khí giao thương tại các kênh bán hàng truyền thống trở nên ủ dột, ế ẩm.
Tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những chợ đầu mối lớn nhất thủ đô, nơi mua sắm sầm uất quanh năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết đã ăm ắp đầy các ki ốt, thế nhưng, không còn cảnh mua sắm sôi động, giao hàng nhộn nhịp.
Chị Tuyết Mai, một tiểu thương buôn bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân cho biết, mọi năm thời điểm trước ngày Ông Công ông Táo, hàng khô như miến, mộc nhĩ, nấm hương, hành, tỏi... lấy về chỉ một buổi sáng là đã bán vơi. Thế nhưng năm nay bán hàng cả ngày, hàng hóa vẫn không suy chuyển là mấy. “Chưa năm nào, hàng hóa phục vụ Tết lại ế ấm như thế” – chị Mai than.
Cùng cảnh tương tự bà Hương, chủ một ki ốt bán bánh kẹo, nước ngọt tại chợ Đồng Xuân cho biết, thường dịp Tết mọi năm, hàng hóa tiêu thụ rất nhanh, cứ hai ba hôm là lại phải nhập thêm hàng mới. Thế nhưng, hàng hóa về mấy hôm nay tiêu thụ rất èo uột.
Tại các đại lý khác trên địa bàn Hà Nội, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Thành, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cận Tết mọi năm, người dân đi sắm Tết rôm rả, hàng hóa phục vụ Tết không suể. Năm nay, lượng hàng lấy về dù giảm đi 1/3 so với mọi năm nhưng bán vẫn rất chậm. “Dịch bệnh khiến người tiêu dùng chuyển sang mua hàng online nên cửa hàng sụt giảm doanh thu rất mạnh” – ông Thành nói.
Nhộn nhịp kênh online
Trái ngược với không khí mua sắm ảm đạm trên các kênh truyền thống, hoạt động kinh doanh online lại diễn ra sôi động, sầm uất những ngày cận Tết.
Chị Đinh Thị Luân, chủ tiệm bánh pizza online ở phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đợt dịch bùng phát lần ba khiến cho người dân chuyển sang gọi hàng online nhiều hơn. Những ngày này, năng suất tăng gấp 4 lần ngày thường, thậm chí cửa hàng còn phải từ chối khách hàng vì đơn hàng quá tải” – chị Luân nói.
Chị Nguyễn Thu Hằng ở phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thường chị hay bán quần áo, giày dép, túi xách online nhưng dịp giáp Tết chị tranh thủ nhận thêm các sản phẩm phục vụ Tết như bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt bí, giò chả... để bán trực tuyến và nhận được lượng đơn đặt hàng tăng gấp đôi so với các mặt hàng thời trang.
Theo thông tin từ một số sàn thương mại điện tử, số lượng đơn hàng tăng khá mạnh trong tháng trước Tết Tân Sửu. Cụ thể theo sàn Tiki, lượng giao dịch trong tháng 1 vừa qua vọt 50% so với cùng kỳ năm trước. Sàn này đang kỳ vọng lượng giao dịch sẽ tăng mạnh hơn trong những ngày mua sắm cao điểm chuẩn bị cho dịp Tết 2021 đến giữa tháng 2.
Còn Lazada Việt Nam thông tin, lượng đơn hàng cùng nhà bán hàng trong chương trình lễ hội mua sắm Tết diễn ra trong 10 ngày từ 19 - 28.1 tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Đồng thời, hệ thống gian hàng chính hãng LazMall ghi nhận số lượng khách hàng tăng hơn 3 lần và số đơn hàng tăng hơn 4 lần.
Đại diện Shopee Việt Nam cũng cho biết, năm nay, trên sàn Shopee, số lượng hàng hóa cung ứng gia tăng mạnh hơn so với mọi năm vì lượng khách đặt hàng trực tuyến tăng chóng mặt, nhất là sau khi dịch tái bùng phát Covid-19. Các mặt hàng tạp hóa, đồ gia dụng, nhóm sản phẩm gia đình và đời sống chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp... tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng, cho thấy, người dân ngày càng chú trọng mua sắm online, do đó thương mại điện tử sẽ có cơ hội phát triển mạnh thời gian tới.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.