Công đoàn giáo dục Việt Nam mới đây thông báo đã nhận được thư của Ủy ban Giải thưởng Gusi Hòa bình quốc tế Philippines về việc thầy Đào Chí Mạnh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đoạt Giải thưởng Gusi Hòa bình năm 2023. Thầy Mạnh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng này (trước đó có người quốc tịch Việt Nam nhưng ở Đài Loan).
Thầy giáo Đào Chí Mạnh là 1 trong 20 cá nhân được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ để vinh danh tại giải thưởng năm nay vì những cống hiến to lớn trong lĩnh vực giáo dục. Thầy là một trong những hiệu trưởng khởi xướng và tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng, thúc đẩy và lan tỏa mô hình trường học hạnh phúc theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Thầy Mạnh trở thành người Việt đầu tiên nhận Giải thưởng Gusi Hòa bình quốc tế. Ảnh: NVCC
Chia sẻ với PV báo Dân Việt ngay sau tin vui này, thầy Đào Chí Mạnh cho biết: "Tôi nghĩ mình may mắn là người được chọn vì có rất nhiều giáo viên khác cũng có nhiều cống hiến. Tôi rất vui khi là người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng này. Tôi cũng mong muốn lan tỏa hơn nữa tinh thần đổi mới giáo dục đến với thầy cô, đặc biệt là trong việc xây dựng trường học hạnh phúc".
Nói thêm về ý nghĩa của giải thưởng này, thầy Mạnh cho hay: "Là một hiệu trưởng tham gia phong trào xây dựng trường học hạnh phúc từ năm 2018-2019, tôi thấy rằng nếu chúng ta kết nối trường học hạnh phúc với đổi mới dạy học chú trọng phát triển năng lực phẩm chất thực sự sẽ mang lại nhiều giá trị cho giá trị, đặc biệt chúng ta đang trong giai đoạn đầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Với tôi giải thưởng không quan trọng, quan trọng là có niềm tin bước tiếp con đường mình đang đi để đem lại nhiều giá trị cho nơi mình đang công tác".
Thầy Mạnh cũng thẳng thắn: "Đổi mới trong lĩnh vực nào cũng gặp trắc trở, gập ghềnh. Đổi mới trong giáo dục càng khó khăn hơn vì rộng lớn và có sự tham gia của mọi gia đình, toàn vùng miền. Một số giáo viên có tâm lý e ngại, tuy nhiên, tôi vẫn chia sẻ nhiều với thầy cô rằng khi chúng ta vượt qua được rào cản chúng ta sẽ trở nên có giá trị hơn. Quan trọng là dám bước tới, dám vượt qua".
Thầy hiệu trưởng hai lần lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh: NVCC
Được biết, thầy Mạnh làm hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Hội Hợp B được 8 năm. Học sinh tại Trường Tiểu học Hội Hợp B không phải mang cặp sách về nhà trong tuần. Thay vào đó, các em được khuyến khích chơi thể thao, sinh hoạt văn hóa trọn vẹn bên gia đình vào mỗi tối.
Năm 2009, thầy Mạnh thiết kế nền tảng dạy học trực tuyến, tự quay dựng các video bài giảng và đăng tải lên kênh Eteachers.edu.vn với mong muốn đây sẽ là phương thức bổ trợ cho việc dạy học ở trường và hỗ trợ học sinh tự học. Cuối năm 2019, khi Vĩnh Phúc trở thành tâm dịch Covid-19, nhiều trường phải tạm đóng cửa, thầy Mạnh nhanh chóng tổ chức các lớp trực tuyến miễn phí trên nền tảng có sẵn, thu hút hàng ngàn học sinh tham gia.
Không chỉ là thầy hiệu trưởng tâm huyết với nghề, mong muốn của thầy Mạnh là xây dựng ngôi trường thực sự hạnh phúc. Ở đó, từ giáo viên đến học sinh luôn giữ nụ cười dành cho nhau mỗi ngày.
Ngoài việc trường lớp, thầy Mạnh là có niềm đam mê với thể thao, đặc biệt là trái bóng. Thầy được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam với nội dung tâng bóng bằng đầu liên tục nhiều lần nhất khi tâng bóng với 2.720 lần trong thời gian 17 phút 45 giây.
Năm 2020, thầy Mạnh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là: "Người Việt Nam tâng bóng bằng 2 chân, giữ bóng bằng đầu, bằng vai đi bộ với quãng đường dài nhất". Cả 2 lần này thầy đã quyên góp được 60 triệu đồng để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy giáo Đào Chí Mạnh là người Việt Nam duy nhất được vinh danh tại Giải thưởng Gusi Hòa bình quốc tế 2023. Ảnh: Gusi Peace Prize
Giải thưởng Gusi Hòa bình quốc tế là một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu châu Á và năm trong số những giải thưởng hàng đầu thế giới hiện nay, trao cho các cá nhân và tổ chức có những đóng góp cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu ở nhiều lĩnh vực.
Thư của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá: "Thầy Đào Chí Mạnh là người tạo động lực mạnh mẽ về tình yêu và trách nhiệm với nghề dạy học trong bối cảnh đổi mới đang diễn ra tại địa phương Vĩnh Phúc nói riêng và cộng đồng giáo viên ở Việt Nam nói chung bằng các việc làm cụ thể; là người tạo ra xu hướng chuyển đổi số trong các trường tiểu học, ứng phó với các biến đổi chung đang diễn ra ngày càng lớn".