Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:27
RSS

Chuyển đổi số giáo dục - giải pháp mũi nhọn nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương

Thứ năm, 09/11/2023, 16:17 (GMT+7)

Đây là nhấn mạnh của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội thảo Vùng Đông Nam Bộ về chuyển đổi số giáo dục phổ thông với chủ đề "Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị" do UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo số chuyển đổi số ngành GD&ĐT tổ chức vào sáng 9/11.

Hội thảo nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ và thực hiện hiệu quả kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Anh Đức, cho biết, thời gian qua, lãnh đạo TP có nhiều chỉ đạo ngành giáo dục TP chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ. Qua quá trình thực hiện, đã ghi nhận được những hiệu quả tích cực.

“Trong thời đại hiện nay nếu chúng ta không quan tâm đến chuyển đối số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu “ – ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

“Trong thời đại hiện nay nếu chúng ta không quan tâm đến chuyển đối số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu “ – ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.

Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, GD&ĐT là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. “Lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo ngành GD&ĐT TP chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, qua quá trình thực hiện đã ghi nhận được những hiệu quả tích cực”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, “GD&ĐT là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của khu vực, chuyển đối số trong giáo dục luôn được quan tâm và đầu tư như một giải pháp mũi nhọn nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương”, ông Đức nhấn mạnh.

“Những định hướng, góp ý trong Hội thảo sẽ góp phần vào kết quả tích cực của công tác chuyển đổi số giáo dục, là động lực quan trọng để ngành GD&ĐT TP.HCM và Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục tiến trình chuyển đối số toàn diện hơn”, ông Đức nói thêm.

Chuyển đổi số ngành GD&ĐT là quá trình thay đối về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này được tạo điều kiện bởi công nghệ, được phát triển bởi sự tiếp nhận và tham gia tích cực của cộng đồng và được dẫn dắt bởi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác nguồn vốn chính sang khai thác nguồn vốn dữ liệu.

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, việc chuyển đổi số trong GD&ĐT thời gian qua đã đem lại kết quả tốt; khi xây dựng các chính sách chuyển đổi số trong GD&ĐT, cần hướng tới mục tiêu phát triển, quản lý, bảo toàn, khai thác nguồn vốn dữ liệu, từ đó tạo ra giá trị cho xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng.

Chiến lược cần có tầm nhìn tổng thể, đầy đủ cho kế hoạch trung hạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, có tính linh hoạt để đáp ứng nhanh chóng những thay đổi trong công nghệ; phải thúc đẩy sự tham gia, hướng tới sự phục vụ cho số đông cộng đồng, từ đó tạo ra nguồn tài nguyên dữ liệu, nguồn vốn quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số…

Thu Thủy
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại