Trong chương trình "Gõ cửa thăm nhà" tập mới nhất, hai nghệ sĩ Quốc Thuận và Ngọc Lan đã dành thời gian tới thăm người thầy nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ký và lắng nghe những chia sẻ của ông về tình yêu, cuộc sống.
Bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký đã kiên trì tập luyện để viết bằng chân. Nghị lực của cậu bé đã nổi tiếng khắp cả nước với hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích học tập xuất sắc. Cái tên Nguyễn Ngọc Ký như biểu trưng của lòng kiên trì, ý chí quyết tâm trong cuộc sống.
Vợ chồng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký hạnh phúc bên nhau ở tuổi xế chiều.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký năm nay đã 73 tuổi, tuy vẫn minh mẫn nhưng ông mắc căn bệnh suy thận khá nặng, một tuần phải lên viện chạy thận 3 lần. Ông dành nhiều thời gian để tập dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe và viết thơ, truyện cổ tích.
Đồng hành cùng ông là bà Đậu - người vợ thứ hai, cũng là em gái của người vợ thứ nhất đã qua đời. Nhắc tới người vợ đầu, thầy Nguyễn Ngọc Ký dành nhiều sự nâng niu, trân trọng. Ông cho biết: "Ngay khi tôi gặp Nhiễu, mình đã "trúng sét đánh". Cô ấy cũng vậy. Nếu như Thúy Kiều "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" thì Nhiễu băng qua 30km để tìm gặp tôi. Lúc chúng mình quyết định cưới nhau, cả nhà cô ấy đều không đồng ý. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - một người anh em họ đã giúp mình, tới khuyên bố cô ấy. Ông bảo: "Trên đời này ai cũng chết, chỉ có nhà văn, nhà thơ là không chết. Cứ gả Nhiễu cho Ký sẽ không phải khổ đâu". Vậy là cụ đồng ý, cả hai cùng đi xe xuống nhà mình trò chuyện, chia sẻ".
Bà Đậu chia sẻ tình cảm dành cho chồng với nữ diễn viên Ngọc Lan.
Kết hôn đã khó, duy trì được tình yêu càng không đơn giản trong điều kiện người chồng không thể sử dụng đôi tay. Thầy Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ, ông đã luôn cố gắng làm mọi việc để vợ mình có cảm giác được san sẻ: "Ngày bà ý có việc bận, bà ấy đặt con nằm trên lòng mình để mình ru. Mình nghĩ hết bài thơ này tới bài thơ khác để ru con ngủ. Khi sinh trẻ con và chăm con còn bé, mình bảo vợ cho mình giặt tã lót, quần áo lúc mới sinh con. Mẹ mình bảo: "Chồng thì không có tay, sao bắt nó giặt". Mình bảo: "Con giặt được mà", nhưng bà vẫn không đồng ý. Sau đó cứ 4h sáng mình dậy giặt, rồi giặt xong vợ dậy vợ phơi. Lúc mẹ mình dậy thấy con dâu phơi, mẹ vui mà vợ mình cũng vui lòng".
Cuộc hôn nhân đang viên mãn, hạnh phúc thì năm 2011, bà Nhiễu ra đi. Khi đó, thầy Nguyễn Ngọc Ký rơi vào trống trải, tuyệt vọng. Chính trong lúc đó, bà Đậu đã xuất hiện, vừa chịu tang chị, vừa san sẻ nỗi vất vả với ông.
Trước đó, khi bà Nhiễu bị tai biến não lần 1, bà đã nói với chồng: "Nếu em có mệnh hệ gì, anh cố gắng yêu thương cái Đậu, chồng nó mất sớm quá!". Bà cũng dặn dò em gái, nếu chị có ra đi thì hãy chăm sóc cho anh Ký. Bảy năm sau, khi bà Nhiễu qua đời, hai người ngồi lại với nhau, mới biết những điều mà bà đã dự trù từ trước.
Kết hôn với em gái ruột của vợ không phải điều đơn giản. "Lúc ấy hai con bà ý phản đối, con mình cũng không đồng ý. Con bà Đậu còn viết thư rất căng thẳng: Bác Nhiễu đã vất vả cả đời rồi, giờ con không muốn mẹ lại vất vả nữa. Thế nhưng, bây giờ, các con cũng công nhận đúng là có bác, mẹ vui hơn rất nhiều!".
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn vô cùng lạc quan, tích cực. Ông tự viết hai câu thơ để tự nhủ mình và đọc cho những người thân: "Cuộc đời như áng mây trôi/Cứ buồn là lỗ, cứ vui là lời".