Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:21
RSS

Thay đổi cơ địa – Sự khác biệt giữa thuốc Đông và Tây y

Thứ hai, 28/11/2022, 10:07 (GMT+7)

Cần hiểu rõ về cơ địa mới tìm được biện pháp điều trị bệnh hiệu quả, không tái phát. Tìm hiểu về khả năng tác động vào cơ địa của thuốc Đông y so với Tây y để lựa chọn thuốc đúng.

Thay đổi cơ địa

Tìm hiểu về sự thay đổi cơ địa của thuốc Đông y so với Tây y

Cơ địa là gì?

Cơ địa là đặc điểm cá nhân của mỗi người quyết định khả năng kháng bệnh của cơ thể. Kháng bệnh bao gồm cả khả năng cơ thể tự đề kháng để không nhiễm bệnh và khả năng đáp ứng với các liệu pháp điều trị nếu đã bị bệnh.

Cơ địa - khả năng kháng bệnh phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bẩm sinh (có người sinh ra khoẻ mạnh, có người ngay từ khi sinh ra đã ốm yếu, nhiều bệnh), phụ thuộc  vào nòi giống, chủng tộc (dân tộc này hay mắc bệnh này hơn, dân tộc kia hay mắc bệnh khác hơn), yếu tố tâm lý, tâm thần (người vui vẻ, lạc quan sẽ ít bệnh hơn người lo nghĩ, trầm cảm), quan hệ xã hội của cá thể (người quan hệ xã hội tốt cảm thấy khoẻ mạnh hơn), tác động của môi trường xung quanh (môi trường sạch sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh).

Cơ địa không bất biến mà thay đổi theo thời gian (người càng cao tuổi thì khả năng kháng bệnh càng kém), thói quen sinh hoạt (sinh hoạt, ăn uống khoa học thì khả năng kháng bệnh tốt hơn), quan hệ xã hội và tác động của môi trường và đặc biệt cơ địa có thể thay đổi dưới tác động của một số thuốc Đông y.

Cơ địa là một khái niệm rộng hơn hệ miễn dịch bởi hệ miễn dịch liên quan đến bệnh lây nhiễm (các tế bào của hệ miễn dịch tiêu diệt mầm bệnh, vi khuẩn, nấm, virus gây bệnh) và bệnh tự miễn (hệ miễn dịch tấn công chính cơ thể trong các bệnh vảy nến, viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống...) trong khi cơ địa liên quan đến tất cả các loại bệnh kể cả bệnh lây nhiễm, tự miễn lẫn bệnh không lây nhiễm (các bệnh rối loạn chuyển hoá như tiểu đường, mỡ máu cao, bệnh tim mạch, huyết áp, gout...).

Cơ địa có thể kháng tốt bệnh này nhưng kháng kém bệnh kia. Do đó nói cơ địa tốt chung chung là chưa chính xác mà cần nói cơ địa tốt với từng bệnh cụ thể: cùng một người có thể cơ địa kháng viêm xoang mạn tính tốt nên không bị bệnh này nhưng lại bị gout bởi cơ địa kháng gout kém. Như vậy có thể nói cơ địa là tập hợp của vô số các cơ địa thành phần, mỗi cơ địa con này là khả năng kháng một bệnh cụ thể.

Thay đổi cơ địa
Cơ địa có thể kháng tốt bệnh này nhưng kháng kém bệnh kia

Một số ví dụ về bệnh cơ địa

Để hiểu rõ về cơ địa có thể lấy một số ví dụ về bệnh cơ địa như dưới đây:

Bệnh viêm xoang mạn tính

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm xoang là do vi khuẩn. Tuy nhiên, sống trong cùng một môi trường nhưng có người bị viêm xoang, có người không bị, có người bị viêm xoang nặng nhưng cũng có người bị nhẹ, có người bị viêm xoang cấp tính rồi khỏi, nhưng có người thì bị viêm xoang mạn tính, kéo dài dai dẳng…

Như vậy, vi khuẩn tuy là nguyên nhân khởi phát, nhưng không phải là yếu tố quyết định tình trạng bệnh, mà chính là cơ địa – khả năng kháng bệnh của cơ thể.

Điều này cho thấy biện pháp hiệu quả để điều trị viêm xoang mạn tính không phải là tránh vi khuẩn, bởi điều này là không thể, mà chính là thay đổi cơ địa, để kháng viêm xoang, ngay cả khi ở môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Bệnh gout mạn tính

Cùng nồng độ acid uric như nhau, nhưng có người bị bệnh gout, có người không bị. Thậm chí có người acid uric thấp hơn lại bị bệnh gout trong khi có người acid uric cao hơn thì lại không. Điều này cho thấy tuy rất quan trọng nhưng acid uric không phải là yếu tố chính quyết định bệnh gout mà là cơ địa – khả năng kháng bệnh gout của mỗi người.

Điều này cũng cho thấy, để điều trị bệnh gout hiệu quả, cần tác động để thay đổi cơ địa, từ cơ địa dễ mắc bệnh gout thành cơ địa ít hoặc không dễ mắc bệnh.

Bệnh tiểu đường

Nhiều người ngộ nhận là ăn nhiều bánh ngọt sẽ dễ bị tiểu đường. Thực tế cho thấy, có người ăn nhiều đồ ngọt mà đường huyết vẫn bình thường, nhưng có người ăn một chút đồ ngọt là đường huyết tăng cao.

Như vậy đồ ngọt không phải nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường mà là cơ địa - sự kháng bệnh tiểu đường mới là yếu tố then chốt.

Thay đổi cơ địa
Cơ địa chính là yếu tố “then chốt”, là nguyên nhân chính gây bệnh

Thay đổi cơ địa, sự khác biệt giữa thuốc Đông và Tây y trong điều trị bệnh mạn tính

Thuốc Tây tấn công trực tiếp vào mầm bệnh: hoạt chất hoá học tấn công tiêu diệt vi khuẩn, nấm, virus, tế bào lạ... Ví dụ kháng sinh tấn công trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm xoang, kháng viêm làm giảm viêm trong bệnh gout, thuốc tiểu đường với các cơ chế khác nhau trực tiếp làm giảm đường huyết.

Nhưng thuốc Tây không tác động vào cơ địa nên khi mầm bệnh xuất hiện trở lại thì bệnh nhân lại dễ tái phát bệnh. Đó là lý do các thuốc Tây y thường được chỉ định trong các giai đoạn bùng phát, cấp tính mà không hiệu quả với các bệnh mạn tính, tái phát.

Thuốc Đông y không trực tiếp tiêu diệt mầm bệnh, vi khuẩn, nấm, virus mà từ từ thay đổi cơ địa, làm tăng khả năng kháng bệnh của cơ thể, khi sức đề kháng được tăng cường sẽ giúp tiêu diệt mầm bệnh. Do đó, có thể nói thuốc Đông y điều trị bệnh mạn tính gián tiếp.

Ví dụ, kháng sinh trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm xoang giúp điều trị đợt cấp tính, trong khi đó, thuốc xoang Đông y không trực tiếp tấn công tiêu diệt vi khuẩn mà tác động vào cơ địa của người bệnh, nâng cao cơ địa, tăng cường sức đề kháng để cơ thể tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời kháng lại các mầm bệnh trong tương lai. Và bằng cách này, thuốc Đông y vừa điều trị vừa ngăn ngừa hiệu quả bệnh tái phát.

Có thể nói tác động của thuốc Đông y là sự kết hợp của tác động điều trị và tác động ngăn ngừa tái phát. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với bệnh mạn tính, bởi chỉ có thay đổi cơ địa, để đề kháng với bệnh tốt, mới giúp phòng tránh và hạn chế bệnh tái phát.

Hai ví dụ sau đây minh hoạ rõ về sự khác biệt giữa Đông và Tây trong điều trị bệnh mạn tính.

Diệt cỏ dại

Khi có một đám cỏ dại thì thường có 3 phương pháp diệt:

  • Chỉ dùng liềm cắt cỏ dại, không tác động vào đất (đất vẫn ẩm), thì rễ cỏ vẫn còn nguyên trong đất ẩm nên sau vài ngày từ rễ cỏ lại mọc lên đám cỏ mới: cỏ dại tái phát. Có thể hình dung điều này như việc dùng thuốc Tây y để trị triệu chứng vậy.
  • Chỉ nhổ cỏ, bật cả rễ, không tác động vào đất (đất vẫn ẩm). Rễ không còn nên cỏ không thể mọc lại sau vài ngày, vài tuần sau đó. Nhưng sau một thời gian các hạt cỏ mới (do gió mang đến) rơi xuống đất ẩm thì chúng sẽ mọc thành đám cỏ mới: cỏ dại tái phát. Có thể hình dung điều này như việc dùng thuốc Tây y để trị triệu chứng và nguyên nhân (không tác động vào vấn đề chính – cơ địa người bệnh).
  • Không cắt cỏ hay nhổ cỏ, mà tác động vào đất, từ từ biến đất ẩm thành đất khô như sa mạc. Khi đất khô dần, rễ cỏ sẽ hút được ít nước nên đám cỏ héo dần và chết. Đám cỏ bị diệt. Sau này nếu xuất hiện các hạt cỏ mới rơi xuống đất thì do đất đã khô, nên các hạt cỏ này không thể sinh sôi, mọc thành đám cỏ mới được: cỏ dại không tái phát. Có thể hình dung điều này như việc dùng thuốc Đông y để tác động vào cơ địa, thay đổi cơ địa, nhằm hạn chế bệnh tái phát.

Trong ví dụ trên nếu coi cỏ dại là bệnh thì cơ địa là khả năng kháng cỏ dại. Đất càng ẩm thì khả năng kháng cỏ dại càng kém, đất càng khô thì khả năng kháng cỏ dại càng tốt. Đất ẩm cỏ mới mọc được và đây là lý do cỏ dại tái phát. Đất khô như sa mạc thì cỏ không thể mọc được và đó là lý do cỏ dại không tái phát. Muốn diệt cỏ dại và không tái phát thì phải tác động thay đổi cơ địa (độ ẩm của đất), làm đất khô cằn như sa mạc. Đây là phương pháp diệt cỏ và ngăn cỏ dại tái phát theo Đông y.

Thay đổi cơ địa
Diệt cỏ phải diệt tận gốc để ngăn ngừa cỏ mọc lên

Suy ngẫm về việc điều trị bệnh xoang mạn tính:

Viêm xoang chủ yếu là do vi khuẩn gây ra với các triệu chứng nghẹt mũi, đau nhức các xoang.

Khi dùng thuốc paracetamol để giảm đau, thuốc co mạch xylometazolin để thông mũi thì đó là điều trị triệu chứng vì vi khuẩn gây tổn thương xoang vẫn còn. Khi dùng kháng sinh diệt vi khuẩn, bệnh khỏi thì đó là điều trị nguyên nhân gây bệnh (diệt vi khuẩn).

Tuy nhiên, các thuốc Tây y không tác động đến cơ địa, không làm tăng khả năng kháng vi khuẩn của niêm mạc mũi xoang nên khi các vi khuẩn mới từ môi trường xâm nhập hoặc chính những vi khuẩn đã tồn tại trong cơ thể đều có thể dễ dàng vượt qua khả năng kháng bệnh yếu kém của người viêm xoang mạn mà phát triển nhanh chóng, làm tổn thương niêm mạc và bệnh viêm xoang tái phát.

Bài thuốc Đông y trị viêm xoang hiệu quả là bài thuốc có thể tác động làm thay đổi cơ địa, làm tăng dần sức đề kháng của niêm mạc xoang với vi khuẩn, khi đó vi khuẩn sẽ suy yếu. Khi niêm mạc xoang kháng vi khuẩn đủ tốt, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, tổn thương xoang hồi phục, bệnh sẽ khỏi. Thời gian sau nếu có vi khuẩn mới xâm nhập vào xoang thì do niêm mạc xoang đã đề kháng tốt, cơ địa khỏe mạnh, vi khuẩn không thể phát triển và làm tổn thương xoang được nữa. Bệnh viêm xoang sẽ không tái phát.

Lương y Hoàng Quốc Ánh, Ths Bùi Thanh Loan
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại