Đà Nẵng đã phun hóa chất diệt muỗi phòng ngừa bệnh ở các khu vực lân cận nơi có bệnh nhân mắc Zika. Ảnh Người Lao Động.
Theo thông tin từ Báo Người Lao Động, bệnh nhân mắc virus Zika là N.H.N. (SN 1995, là công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Bệnh nhân N. sau khi uống thuốc 2 ngày đã hết sốt, có thấy ban đỏ và tê ngón út sau khi hết sốt 2 ngày. Hiện tại bệnh nhân có sức khỏe bình thường.
Trước đó, Bộ Y tế thông báo có 1 trường hợp nam thanh niên 25 tuổi ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng mắc bệnh do virus Zika gây ra. Được biết, đây là loại virus nguy hiểm, làm tổn thương não bộ, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Ngày 28/4, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu với các biểu hiện sốt 38,50C, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
Bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm theo dõi, kê đơn thuốc và hẹn 2 ngày đến tái khám. CDC Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm virus Zika gửi Viện Pastuer Nha Trang. Ngày 19/5, Viện Pasteur Nha Trang thông báo bệnh nhân dương tính với virus này.
Được biết, bệnh do virus Zika là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết Virus Zika có thể làm tổn thương não bộ, tiêu diệt các tế bào não bộ đang phát triển, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra, virus Zika cũng gây ra hội chứng Guillain Barre, tổn thương thần kinh có thể gây liệt. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, Zika được phát hiện lần đầu tiên vào 1947 và trong nhiều thập niên chỉ có những ổ dịch nhỏ, rải rác xuất hiện. Đa số bệnh nhân không có triệu chứng, người bệnh nặng nhất chỉ có nổi ban và đau khớp.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh dương tính với virus Zika, CDC Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), chính quyền địa phương vận động người dân tiến hành diệt lăng quăng, bọ gậy tại khu vực bán kính 200 m tính từ nhà bệnh nhân; phun hóa chất diệt muỗi ở các khu vực lân cận.