Thứ bảy, 12/10/2024 | 12:46
RSS

Tham vọng năng lượng tái tạo và cơn khát vốn của Bamboo Capital

Thứ sáu, 10/06/2022, 08:34 (GMT+7)

Với tham vọng trở thành một đơn vị hàng đầu trong mảng năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam khiến Bamboo Capital đối mặt với áp lực nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, Bamboo Capital rầm rộ huy động vốn qua nhiều kênh khác nhau .

Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Bamboo Capital hiện đang nắm giữ hơn 78,7 triệu cổ phiếu BCG, tương đương với 15,64% cổ phần của tập đoàn này.

Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Bamboo Capital hiện đang nắm giữ hơn 78,7 triệu cổ phiếu BCG, tương đương với 15,64% cổ phần của tập đoàn này.

Năng lượng tái tạo thành công và thách thức

Ngày 6/5/2022, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (Bamboo Capital, HOSE: BCG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Theo chia sẻ của lãnh đạo của Bamboo Capital, trong năm 2022 sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp này.

Trong đó, NLTT sẽ là mảng trọng tâm của năm, thông qua Công ty con BCG Energy. Kế hoạch lợi nhuận 2022 của BCG Energy là 158 tỷ đồng.

Trước đó, trong bản báo cáo thường niên 2021, Bamboo Capital đã chỉ ra hàng loạt rủi ro khi đầu tư vào mảng NLTT. Cụ thể, sau ngày 30/10/2021 giá điện mới của điện gió và điện mặt trời có thể giảm 20% đến 30% so với so với giá điện hỗ trợ (FiT). Thế nhưng mảng NLTT đòi hỏi chi phí trả trước lớn và chi phí xây dựng ngày càng tăng khiến biên lợi nhuận của các dự án ngày càng giảm.

Danh mục đầu tư năng lượng tái tạo hiện tại của Bamboo Capital.

Danh mục đầu tư năng lượng tái tạo hiện tại của Bamboo Capital.

Ngoài ra, hạ tầng lưới điện quốc gia cũng sẽ là thách thức đối với tăng trưởng trong lĩnh vực NLTT. Hạ tầng truyền dẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng công suất gây ra sự kìm hãm. Việc các dự án NLTT phát triển nhanh đã gây ra quá tải lưới điện. Các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời ở nhiều tỉnh sẽ phải giảm sản lượng để duy trì sự ổn định của lưới điện.

Trong năm 2021 do dư thừa nguồn cung, Việt Nam cắt giảm 1,3 tỷ kWh điện từ NLTT để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.

Năm 2022, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương báo cáo ngày 21/2, quy hoạch điện mặt trời giai đoạn 2031-2045 còn quá cao (khoảng 25% trong cơ cấu công suất nguồn điện). Do đó, Bộ Công Thương rà soát giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả.

Bamboo Capital tăng cường huy động vốn

Tham vọng phát triển mảng NLTT khiến Bamboo Capital phải liên tục tăng cường huy động vốn qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện nay của Bamboo Capital lại lệ thuộc rất lớn vào dòng tiền tài chính.

Kết thúc quý I/2022, Bamboo Capital sở hữu khoản nợ 9.097 tỷ đồng trái phiếu, chiếm gần 60% tổng nợ vay.

Kết thúc quý I/2022, Bamboo Capital sở hữu khoản nợ 9.097 tỷ đồng trái phiếu, chiếm gần 60% tổng nợ vay.

Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào tình hình vay nợ của công ty. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của Bamboo Capital đã mức đạt 311,7 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái tại. Quý I/2022, tổng nợ vay tại Bamboo Capital đạt 15.198 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, chiếm 50% tổng nợ phải trả, chiếm 36,6% tổng nguồn vốn.

Bamboo Capital  rất tích cực phát hành nợ thông qua hình thức trái phiếu với hơn 9.097 tỷ đồng, tăng thêm 3.852 tỷ đồng so với mức 5.245 tỷ đồng quý I/2021. Lãi suất của các lô trái phiếu này từ 10%/năm đến 11,5%/năm. Số nợ còn lại của Bamboo Capital gần gần 4.506 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Do đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của công ty hiện vẫn ở mức hơn 2,72 lần.

Thế nhưng, hiện nay kênh trái phiếu lẫn tín dụng đang bị kiểm soát chặt chẽ nên Bamboo Capital liên tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Bamboo Capital đã thông qua phương án phát hành hơn 518 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu và đấu giá công khai, trong đó 268,3 triệu cổ phiếu được chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phần; 250 triệu cổ phiếu được đấu giá ra công chúng với giá khởi điểm bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 60 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường tính đến ngày HĐQT có nghị quyết chào bán.

Trước đó, Bamboo Capital đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho đối tác với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 10% gồm 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, công ty phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động.

Dự kiến, sau khi thực hiện thành công việc chào bán ra công chúng, trả cổ tức và ESOP, vốn điều lệ của Bamboo Capital tăng gấp đôi từ 5.063 tỷ đồng lên 10.549 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồ Nam (sinh năm 1978) hiện đang là Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital .Đồng thời ông Nam cũng là Chủ tịch của CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng, CTCP Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp và Vận Tải (TRACODI), CTCP BCG Land và CTCP BCG Energy – bốn công ty thành viên trụ cột của Tập đoàn BCG.

Đại gia quê Vĩnh Long này hiện đang nắm giữ hơn 78,7 triệu cổ phiếu BCG, tương đương với 15,64% cổ phần của Bamboo Capital. Ngoài ra, 2 người trong gia đình của vị đại gia này cũng đang sở hữu hơn 7,5 triệu cổ phiếu BCG là bà Hồ Thị Lan Anh (mẹ ông Nam) và bà Nguyễn Thị Thùy Linh (vợ ông Nam).

 

Sỹ Bắc - Giang Tử
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại