Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:46
RSS

10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất ngành quý I/2022

Thứ sáu, 20/05/2022, 10:31 (GMT+7)

So với cùng kỳ, danh sách 10 ngân hàng có nợ xấu lớn trong quý I/2022 không có sự thay đổi. Tuy nhiên, vị trí các ngân hàng trong danh sách có sự thay đổi về thứ tự.

So với quý I/2021, có đến 22/27 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng nợ xấu trong quý I/2022.

So với quý I/2021, có đến 22/27 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng nợ xấu trong quý I/2022.

So với quý I/2021, 3 vị trí đầu của danh sách này có nhiều biến động do BIDV có tổng nợ xấu giảm 37%.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vươn lên đầu bảng với tổng nợ xấu 18.094 tỷ đồng, tăng 74% so với quý I/2021.

Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) đứng vị trí số 2 với tổng nợ xấu 15.322 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ . Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng đến 248% lên mức 6.232,4 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 tăng 30% đạt mức 1.993,6 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh 26% lên 7.095,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của VietinBank cũng tăng tới 246% lên mức 13.544 tỷ đồng.

Nhờ kiểm soát được nợ xấu trong quý I/2022, ngân hàng TMCP Đầu Tư Và Phát Triển Việt Nam (BIDV) xuống vị trí thứ 3 với tổng nợ xấu đạt mức 13.730 tỷ đồng. Tuy số dư nợ xấu cao, nhưng so với mức 21.765 tỷ đồng, giảm tới 37% cùng kỳ. Nguyên nhân là do ngân hàng này có nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5 lần lượt giảm 14% và 48% so với quý I/2021, mặc dù nợ có khả năng mất vốn tăng 8,3%.

Top 10 ngân hàng có tổng nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý I/2022.

Top 10 ngân hàng có tổng nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý I/2022.

Vẫn giữ nguyên vị trí số 4 nhưng Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) có số dự nợ xấu tăng 9%, từ mức 7.697 tỷ đồng lên 8.372 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) xếp thứ 5 với quy mô nợ xấu ở mức 6.483 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng mạnh lần lượt 34% và 78%, trong khi đó nợ nhóm 5 giảm 15%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ở top 6 trong danh sách khi tổng nợ xấu 5.299 tỷ đồng, xấp xỉ so với quý I/2021.  

Ngoài ra, top 10 ngân hàng có nợ xấu cao nhất tính đến hết quý I/2022 còn có Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam VIB (5,115 tỷ đồng) , Ngân hàng TMCP Quân Đội – MBBank (4.130 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM - HDBank (3.541 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB (3.119 tỷ đồng).

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2022, có đến 22/27 ngân hàng có tổng nợ xấu tăng. Tính đến ngày 31/3/2022, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng đạt mức 111.147 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 10 ngân hàng đứng đầu danh sách chiếm 75% tổng nợ xấu với mức 83.205 tỷ đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8 năm nay. Tuy nhiên, do lo ngại nợ xấu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, ngày 7/3, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này đến ngày 15/8/2025.

 

Sỹ Bắc
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại