Từ đầu tháng 5 đến nay, cổ phiếu của Ngân hàng OCB giảm gần 20%.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 12/5/2022, mã cổ phiếu OCB đang được giao dịch với mức 18.550 đồng/cổ phiếu, giảm 1.350 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch trước đó. Tính từ đầu tháng 5/2022, vốn hóa thị trường của OCB “bốc hơi” gần 20%.
Trước đó, ngày 27/04/2022, OCB công bố Báo cáo tài chính Quý 1/2022 cho thấy lợi nhuận của ngân hàng có mức tăng trưởng âm và nợ xấu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý đầu năm 2022, nguồn thu chính của OCB là thu nhập lãi thuần tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 1.670 tỷ đồng. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi của OCB ghi nhận mức sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 36,7% xuống còn 13 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm tới 74,5% xuống còn 108,8 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác giảm 32,2% xuống còn 57,1 tỷ dồng. Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 21% mang về hơn 30,6 tỷ đồng và hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 1% ghi nhận 128 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro của ngân hàng đạt 1.270,4 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, trong kỳ OCB phải chi 434,7 tỷ đồng cho phí dự phòng rủi ro, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lợi nhuận trước thuế OCB chỉ còn 835,7 tỷ đồng, giảm gần 34,5% so với cùng kỳ năm trước.
OCB đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ tại Tập đoàn FLC và các Công ty liên quan.
Nguyên nhân OCB mạnh tay trích lập dự phòng do nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh trong kỳ. Cụ thể, tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3/2022 tăng gần 70% so với hồi đầu năm lên mức 2.293 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nhóm nợ xấu tại OCB, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 79% lên hơn 583 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 - Nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất 140% lên hơn 698 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng 38% cán mốc hơn 1.011 tỷ đồng. Do đó, nâng tỷ lệ nợ xấu tại OCB từ 1,32% hồi đầu năm lên 2,17%.
Đáng chú ý, Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tại OCB trong 3 tháng đầu năm cũng tăng vọt 97% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 2.265 tỷ đồng, lên mức hơn 4.601 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tại OCB tăng 2% so với hồi đầu năm lên hơn 187.748 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng nhẹ 4% ghi nhận 105.716 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, số dư tiền gửi của OCB trong kỳ đạt 98.485 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với đầu năm. Chủ yếu do tiền vàng gửi không kỳ hạn giảm 22% còn hơn 11.616 tỷ đồng; tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm 29% còn 97 tỷ đồng và tiền gửi ký quỹ giảm tới 52% chỉ mang về gần 270 tỷ đồng.
OCB cho FLC và Bamboo Airways vay 2.800 tỷ đồng Hồi đầu tháng 5, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho biết, tổng dư nợ liên quan đến FLC hiện là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con. Liên quan đến việc thu hồi nợ tại FLC, từ năm 2020 tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại OCB. |
---|