Thứ bảy, 18/01/2025 | 22:45
RSS

Nợ xấu tăng mạnh nhiều ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng

Thứ ba, 02/11/2021, 06:01 (GMT+7)

Dịch Covid – 19 bùng phát mạnh trong quý 3/2021 tác động đến việc nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng có xu hướng tăng mạnh so với đầu năm, buộc các nhà băng phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, đặc biệt là nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn. Trong đó có cả những ngân hàng lớn như: Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, ACB, VPBank.

Ngân hàng Vietcombank – một trong 4 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất Việt Nam phải chi 2.512,5 tỷ đồng chi phí dự phòng trong quý 3/2021, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Vietinbank - một trong những ngân hàng chi mạnh tay cho trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3/2021.

Vietinbank - một trong những ngân hàng chi mạnh tay cho trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3/2021.

Đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Vietcombank tăng 4,3%, đạt hơn 1.385.235 tỷ; cho vay khách hàng tăng gần 11% đạt gần 909.919 tỷ. Trong đó nợ xấu của ngân hàng đạt xấp xỉ 10.884 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm và tăng 38% so với quý 3/2020.

Cụ thể so với đầu năm, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 2,5 lần đạt 1.483 tỷ; Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng gần 14 lần đạt xấp xỉ 3.122 tỷ; Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng 42,4% đạt gần 6.279 tỷ. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng tăng từ 0,62% đầu năm lên 1,16%.

Một trong “Big 4” ngân hàng Việt Nam là Vietinbank phải chi 5.548 tỷ cho chi phí dự phòng trong quý 3, tăng đến 8 lần so với đầu năm. Nợ xấu nội bảng cũng tăng 90% so với đầu năm đạt 18.097 tỷ. Trong đó, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 1,6 lần đạt 2.923 tỷ; Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng 7,2 lần đạt hơn 11.630 tỷ; Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn giảm 41,4% xuống còn 3.543 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng tăng từ 0,94% đầu năm lên 1,67%.

Mức nợ xấu nội bảng của Techcombank trong quý 3 xấp xỉ 1.829 tỷ, tăng 41,2% so với đầu năm, và tăng đến 141% so với quý trước đó. Cụ thể, so với quý 2/2021, Nợ nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1728,4% (tương đương tăng gần 18,3 lần) đạt hơn 727,2 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng 30,2% đạt gần 659 tỷ đồng;

Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng 106,1% (tương đương tăng hơn 2 lần) đạt gần 443 tỷ đồng. Nợ xấu tăng mạnh, buộc Techcombank chi gần 589 tỷ cho chi phí dự phòng, tăng gần 61% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng 0,47% đầu năm lên 0,57%.

Nợ xấu nội bảng của ACB tại ngày 30/9/2021 là 2.822 tỷ đồng, tăng tới 53,4% so với đầu năm. Số tiền cho chi phí dự phòng của ACB trong quý 3 là 820 tỷ, tăng hơn 3,3 lần so với đầu năm, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cũng tăng từ 0,60% hồi đầu năm lên 0,85%.

ngân hàng

Tình hình nợ xấu 9 tháng đầu năm tăng mạnh, nhiều nhà băng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Tại VPBank, xu hướng tăng trích lập dự phòng tín dụng cũng diễn ra trong quý 3 do nợ xấu tăng. Cụ thể, VPBank phải chi gần 4.979 tỷ so với mức 4.318 tỷ hồi đầu năm (tương đương tăng 15,3%). Tổng nợ xấu hợp nhất đến cuối quý 3 của ngân hàng là hơn 12.701 tỷ, cao hơn 28% so với đầu năm. Trong đó, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 18,9%; Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng 140,2%; Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn giảm 47%. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của ngân hàng tăng từ mức 3,41% đầu năm lên mức 4%.

Xu hướng nợ xấu tăng mạnh cũng diễn ra một số ngân hàng khác có quy mô nhỏ hơn trong bối cảnh dịch Covid – 19 bùng phát manh mẽ. Cụ thể, nợ xấu của ngân hàng LienVietPostBank tăng 10% so với đầu năm đạt xấp xỉ 2.783 tỷ. Chi phí dự phòng của ngân hàng này trong quý 3 là 271 tỷ, tăng gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu nội bảng của PGBank tăng 13% so với đầu năm đạt hơn 707 tỷ đồng. Trong quý 3/2021, PGBank được hoàn nhập chi phí dự phòng hơn 1,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chi phí này lên tới gần 140 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của NCB trong quý 3 là hơn 800 tỷ, tăng 31,5% so với đầu năm. Chi phí dự phòng của ngân hàng này hơn 132 tỷ tăng gấp 10 lần so với quý 2/2021.

Dù bị ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ 4, nhìn chúng lợi nhuận sau thuế của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2021 và lũy kế 9 tháng đầu năm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình nợ xấu nội bảng tăng mạnh, nhờ có nguồn lực dồi dào từ lợi nhuận, nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Dự phòng rủi ro tín dụng - nợ xấu một mặt để dự phòng cho các khoản nợ xấu theo đúng nghĩa nếu khách hàng không trả được nợ nhưng một mặt cũng được coi là “của để dành” của ngân hàng bởi nhiều khoản nợ được thu hồi. Khi đó, dự phòng này sẽ hoàn nhập trong tương lai và chuyển thành lợi nhuận của các ngân hàng.

Sỹ Bắc - Giang Tử
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại