Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:22
RSS

Thăm nhà người đàn ông có bàn chân Giao Chỉ nổi tiếng xứ Kinh Bắc

Thứ bảy, 17/06/2017, 07:04 (GMT+7)

Bàn chân của cụ Phương xoè ra như hai cái chổi. Cả cuộc đời, cụ chưa đi vừa bất cứ một đôi dép nào. Với những đôi giày “ngoại cỡ” nếu muốn cụ đi thoải mái, người nhà đều phải đục lỗ hai bên để những ngón chân cụ thò ra.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ

Lão ông có bàn chân kỳ lạ nổi tiếng khắp đất Kinh Bắc đó là cụ Nguyễn Đình Phương (SN 1912, trú tại thôn Bàng, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ nổi tiếng khắp đất Kinh Bắc đã 105 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Clip: Duẩn.

Ngoài việc nổi tiếng khắp xa gần với đôi bàn chân kỳ lạ của mình, cụ Phương còn được biết đến là người đàn ông sống thọ nhất đất Bắc Ninh (năm nay cụ đã 105 tuổi). Hiện cụ đang sống cùng người con gái út là bà Nguyễn Thị Thiện trong căn nhà nằm ngay sát trụ sở UBND xã Mão Điền.

Trong một buổi chiều mưa, tôi tìm đến căn nhà của người con gái út nơi cụ Phương đang ở. Mặc dù đang đang là giờ nghỉ trưa nhưng con cháu cụ vẫn còn tề tựu đông đủ và nói chuyện rôm rả.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 1

Tính đến thời điểm hiện tại, cụ Phương tròn 105 tuổi. Ảnh: Duẩn.

Trên chiếc đệm đặt ngay dưới nền đá hoa, cụ Phương ngồi trịch tượng, dáng vẻ khoan thai, hai tay nắm chặt lấy bàn tay của người con thứ. Miệng cụ vẫn mấp máy theo điệu nhạc đang phát ra từ chiếc rađio để ở đầu giường.

Thật khó có thể tin được, ở cái tuổi 105 mà da dẻ và thần thái cụ lại rạng rỡ, nói chuyện lưu loát đến vậy. Ông Nguyễn Đình Ngạc (83 tuổi, con trai cả của cụ Phương) cho biết vài năm trở lại đây, biết tin cụ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, hơn nữa cụ có đôi bàn chân kì lạ nên nhiều người cũng hay tìm đến nhà để thăm hỏi và tận mắt chiêm ngưỡng đôi bàn chân đặc biệt của cụ.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 2

Mặc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Phương vẫn rất minh mẫn. Ảnh: Duẩn. 

Lần đầu được tận mắt chứng kiến đôi bàn chân đặc biệt ấy, chính bản thân tôi cũng không giấu được sự ngạc nhiên. Cả bàn chân cụ xòe rộng giống như một chiếc quạt. Đôi bàn chân ấy không thẳng như người bình thường mà cong đều, hướng vào nhau.

Các ngón chân cũng cách nhau một khoảng tương đôi lớn. “Vì có đôi chân hết sức đặc biệt như này lên hầu như bố tôi không thể đi vừa bất kì một đôi giày, đôi dép nào”, ông Nguyễn Đình Nghệ (79 tuổi, con thứ của cụ Phương) cho biết.

Cũng theo như ông Nghệ, từ khi sinh ra, hình dạng bàn chân của cụ Phương đã cong cong và xòe ra như thế. “Ngoài bố tôi ra thì mẹ và 2 người em gái của cụ cũng có đặc điểm đôi bàn chân như vậy”, ông Nghệ thông tin.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 3

Cận cảnh đôi bàn chân đặc biệt của cụ Phương. Ảnh: Duẩn.

Cụ Phương là con trai thứ trong một gia đình địa chủ giàu có thời xưa. Tuy nhiên, do sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh loạn lạc nên từ nhỏ cụ Phương đã phải gắn bó với cuộc sống ruộng đồng.

Năm 19 tuổi, cụ kết hôn với cụ bà Nguyễn Thị Nhớn (SN 1931) rồi có với nhau tất cả 6 người con (4 trai, 2 gái).  Mặc dù cuộc sống thời đó còn nghèo khó, gia đình lại có nhiều con nhưng cụ không bao giờ để các con phải chịu đói khát.

“Bố tôi luôn tâm niệm, dù ông có phải khổ đến đâu cũng nhất định phải cho con cái học hành đến nơi đến chốn”, ông Ngạc chia sẻ. Chẳng thế mà hiện nay con cái  của cụ đều đã trưởng thành và có chỗ đứng nhất định trong xã hội Bốn người học y, phục vụ tại địa phương và kháng chiến, 1 người là kiến trúc sư xây dựng và một người nữa học ngoại thương.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 4

Cụ Phương thường hay nói những câu chuyện cách mạng với các con. Ảnh: Duẩn.

Trong số các con của cụ Phương, người lớn nhất đã 83 tuổi còn cô con gái út năm nay cũng đã gần 60 tuổi. Tuy nhiên, không một người nào có đôi bàn chân đặc biệt như của cụ Phương.

Theo ông Ngạc, thời còn trung niên, cụ Phương chủ yếu toàn đi chân đất. Các con thấy cụ đi chân đất suốt kể cả lúc ngủ cũng thắc mắc nhưng cụ chỉ nói: “Chân tao thế này, giày dép nào đi cho vừa”.

Không chỉ có đôi bàn chân đặc biệt, cụ Phương còn có một sức khỏe hơn người. “Thời đấy bố mẹ tôi làm hàng xáo, ngày đi thu mua, tối về xay thóc, sáng sớm hôm sau lại mang gạo đi tận Gia Lâm bây giờ để bán.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 5

Ông Nguyễn Đình Ngạc, con trai cả của cụ Phương trò chuyện với PV. Ảnh: Duẩn.

Hồi đó cũng chẳng có xe cộ gì, cụ Phương cứ vác bao gạo 40 đến 50kg lên vai rồi chân đất đi phăng phăng vượt hàng chục cây số đi giao hàng rồi lại mua thóc vác về”, ông Nghệ thông tin.

Khi về già, cụ Phương vẫn giữ cho mình thói quen đi chân đất. Hiếm lắm lúc nào trong làng có hội hè hay ngày vui của con cháu trong gia đình mọi người mới thấy cụ Phương đi dép.

Nhiều lúc trái gió, trở trời, nhìn bố cứ bước đi lững thững với đôi bàn chân trần, các con cụ đã cất công đi nhiều nơi hỏi mua những cỡ giày to nhưng không đôi nào vừa chân cụ cả.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 6

Đôi dép ngoại cỡ mua ở nước ngoài về phải đục lỗ ở 2 bên hông để cụ Phương đi. Ảnh: Duẩn.

“Cách đây mấy năm, một người cháu của cụ sang Singapore du lịch và đã tìm mua để biếu bố một đôi dép ngoại cỡ. Bà chủ cho biết đó là đôi dép to nhất tại cửa hàng chuyên để phục vụ những khách Tây phương.

Tuy nhiên, khi mang về để cụ đi thử thì vẫn không vừa, chúng tôi phải dùng kèo đục lỗ to hai bên thành dép cho ngón cái thò ra mới đi được”. Ông Ngạc vừa nói vừa lôi trong gầm giường ra đôi dép to bản ra như để làm chứng.

Cụ ông 105 tuổi chỉ duy nhất 1 lần đi viện

Ông Ngạc cho biết, những người có bàn chân kì lạ trong họ nhà ông đều rất khoẻ mạnh và sống thọ. Cụ Phương cũng không phải ngoại lệ, mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 105, độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn khỏe mạnh và không biết đau ốm là gì.

Bà Nguyễn Thị Thiện - người con gái út của cụ Phương chia sẻ thêm: “Tôi cũng phải công nhận rằng cụ có sức khỏe rất tốt. Lắm khi thời tiết thay đổi thất thường, con cái đều ốm hết nhưng cụ vẫn không ảnh hưởng gì.

Cụ Phương nhớ nhiều thơ và câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ Tịch. Ảnh: Duẩn.

Cả tỉnh Bắc Ninh có bố tôi và một bà cụ nữa hơn bố tôi một tuổi. Tuy nhiên cụ bà kia mới mất đợt trước Tết nên bây giờ bố tôi lớn tuổi nhất tỉnh. Trí nhớ của cụ cũng rất minh mẫn, họ hàng nhà tôi nhiều vậy mà cụ vẫn có thể kể tên từng người con, đứa cháu trong nhà.

Bên cạnh đó, những bài hát cách mạng, những câu nói nổi tiếng của bác Hồ trong chiến tranh cụ vẫn nhớ như in”.

Mỗi khi có người đến chơi hỏi cụ bí quyết sống khoẻ như vậy cụ Phương đều cười rồi trả lời không biết. Còn các con cụ thì đều cho rằng sở dĩ cụ sống khoẻ như vậy là do thời trai trẻ làm việc, vận động nhiều. Hơn nữa trong cuộc sống hằng ngày, cụ Phương cũng không hút thuốc, uống rượu bia gì.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 7

Mỗi ngày, các con đều phải cắt cử người để trông coi cụ Phương. Ảnh: Duẩn.

Món ăn ưa thích bao nhiêu năm nay của cụ ông có bàn chân Giao Chỉ - Nguyễn Đình Phương là cơm nếp. Cái cách cụ ăn cơm nếp cũng cổ xưa như chính đôi bàn chân của cụ vậy.

Con cháu nấu xôi, cho vào khuôn, dùng chày giã nén lại cho thành hình như chiếc bánh. Đến bữa, cụ lấy con dao, xắt thành từng miếng nhỏ, chấm nước mắm hoặc ăn kèm với chuối chín, khi lại thấy cụ ngồi chấm đường ăn. Cụ có thể ăn cơm nếp cả tháng mà không biết chán.

Cụ ông với bàn chân Giao Chỉ 8

Đôi bàn chân của cụ Phương Xòe ra như một chiếc quạt. Ảnh: Duẩn.

“Giờ con cái không có thời gian, hơn nữa làm cơm nếp nén cũng lịch kịch nên cụ chuyển sang ăn bánh chưng và bún. Bánh chưng phải là loại được nấu từ gạo nếp cái, quánh dẻo còn bún thì cụ chỉ ăn bún lá. Bánh chưng cắt khúc, chấm đường, bún lá thì ăn kèm với nước mắm”, ông Nghệ cho hay.

Bên cạnh đó, khả năng chịu nóng của cụ Phương cũng khiến người khác nể phục. Mặc dù nước sôi sùng sục, rót ra cốc còn bỏng giãy nhưng cụ vẫn đưa lên miệng uống luôn được.

Cu ong voi ban chan Giao Chi 10

Ông Nguyễn Đình Nghệ, con thứ của cụ Phương trò chuyện cùng PV. Ảnh: Duẩn.

Những đồ ăn con cháu mua về cụ đều yêu cầu hấp hay nấu cho thật nóng rồi mới ăn chứ cụ rất ít khi ăn đồ lạnh. Nồi cơm nếp vừa lấy từ bếp xuống vẫn còn nóng hổi nhưng cụ Phương vẫn vô tư thò tay vào, bốc ăn bình thường như không có chuyện gì.

Ông Nguyễn Đình Thân - người con thứ 4 của cụ Phương cho biết thêm: “Mặc dù đã bước qua tuổi đại thượng thọ nhưng bố tôi chưa bao giờ nhờ vả con cháu điều gì. Những công việc hằng ngày ông đều tự mình làm được hết”.

Cụ ông trăm tuổi Nguyễn Đình Phương.

Không chỉ đôi chân, bàn tay của cụ Phương cũng rất to. Ảnh: Duẩn.

Cả cuộc đời cụ Phương cũng mới chỉ có đi viện đúng một lần. Và lý do đi viện cũng là bất đắc dĩ. Đó là khoảng 50 năm về trước, trong một lần chống gậy từ nhà cô con gái út sang nhà người con cả là ông Nguyễn Đình Ngạc chơi, cụ Phương vô tình bị một chiếc xe tông phải khiến cụ bị gãy chân.

“Từ đó đến tận bây giờ bố tôi chưa từng phải đi viện cũng như chưa phải uống bất cứ một viên thuốc nào. Nhờ phúc ấm của tổ tiên nên bố tôi vẫn thọ cùng con cháu. Chúng tôi hạnh phúc lắm”, ông Ngạc chia sẻ.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus/GĐVN