Thứ bảy, 27/04/2024 | 00:39
RSS

Tăng thuế với xe công nghệ, công ty hay tài xế phải trả thuế?

Thứ năm, 03/12/2020, 10:49 (GMT+7)

Những ngày đầu tháng 12 này, khắp các địa điểm tập trung nhiều tài xế xe công nghệ như trung tâm thương mại, sân bay, bến xe,…đều râm ran về quy định thuế mới sắp áp dụng.

Với quy định mới trong nghị định 126, có hiệu lực ngày 5/12, mức thuế GTGT nộp 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe thay vì mức 3% như hiện nay nên đại diện các ứng dụng gọi xe cho biết đang tính toán các phương án điều chỉnh giá cước và chuẩn bị tuyên truyền để tránh tình trạng tụ tập khiếu nại, tắt app phản đối.

Phía Grab cho Tuổi Trẻ hay đang tính toán 2 phương án. Trường hợp để đảm bảo mức thu nhập hiện tại cho tài xế sẽ phải tăng cước thêm 8%, hệ quả là số chuyến xe sẽ bị giảm, đồng nghĩa với doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

Theo số liệu của một đơn vị nghiên cứu độc lập năm 2018, độ co giãn về cầu của thị trường VN với dịch vụ vận tải kết nối qua ứng dụng gọi xe là -5,7 (tức là khi giá của một chuyến xe tăng 1%, số lượng chuyến sẽ giảm 5,7%). Nếu cước vận tải tăng thêm 8%, nhu cầu gọi xe sẽ giảm 45%. Nếu theo quy định mới áp dụng từ ngày 5/12, tài xế giảm khoảng 7,3% thu nhập so với hiện nay. Ví dụ cuốc xe 100.000 đồng, sau khi trừ thuế và phí 20% kết nối của Grab, tài xế sẽ nhận khoảng 70.000 đồng (trước đây tài xế nhận 76.000 đồng).

Đại diện Be Group cho biết vẫn đang bàn tính việc điều chỉnh sắp tới thế nào để hài hòa giữa tài xế và khách hàng. Với Be, vị này khẳng định việc tăng thuế GTGT từ 3% lên 10% từ ngày 5/12 sẽ không ảnh hưởng nhiều vì ngay từ đầu hãng đã xác định là đơn vị vận tải, thuế GTGT đã tự động thu hộ vào mỗi cuốc xe của tài xế.

Tăng thuế với xe công nghệ, công ty hay tài xế phải trả thuế?
Ảnh minh họa

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25/11, ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO FastGo - cho biết doanh nghiệp sẽ tuân thủ đúng quy định, song việc tăng thuế lần này sẽ khó khăn đối với doanh nghiệp khi tài xế và khách hàng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh thu nhập của họ bị giảm do tác động của dịch Covid-19.

Anh Phạm Văn Nhâm (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho PV Người đưa tin PL hay: “Nhà quản lý hay nói chúng tôi là đối tác tài xế xe công nghệ hay hợp tác kinh doanh nhưng thực chất chỉ là người chạy xe ôm. Bây giờ thu thuế 10% doanh thu là không phù hợp với thực tế.

Chúng tôi bán sức lao động để kiếm tiền, nhưng sao lại thu thuế như người làm kinh doanh. Cơ quan thuế cho rằng doanh nghiệp sẽ đóng thay cho người tiêu dùng, chứ không phải tài xế nhưng ai cũng biết là ngược lại”.

Không ít người như anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đang tính toán đến việc đổi nghề vì mức thuế tăng cao cộng với khoản thu phí quản lý, chi phí xăng, bảo dưỡng, trả lãi ngân hàng,...là vượt khả năng của bản thân.

Đa phần các tài xế xe công nghệ đều băn khoăn vì lo sợ thu nhập giảm sút. Nếu công ty thực hiện tăng giá cước để bù đắp vào doanh thu, nhiều khả năng khách hàng sẽ giảm hẳn.

Anh Lâm - tài xế Gojek - cho hay thu nhập thực của tài xế hai bánh chỉ 55-60% tổng doanh thu vì ngoài 20% chiết khấu cho hãng, tài xế phải tốn ít nhất 20% cho xăng nhớt, hao mòn xe, 4G, điện thoại... Nếu tổng doanh thu của tài xế được ghi nhận trên ứng dụng là 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập thực tế dưới 6 triệu/tháng. 

"Cách nào đi chăng nữa, với việc tăng từ 3% lên 10% thuế GTGT, một là tài xế giảm thu nhập cực mạnh, còn không là hành khách lãnh đủ việc tăng giá cước" - anh Lâm tính.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN