Tự ý sử dụng canxi cho con không theo chỉ định của bác sĩ
Chị Minh Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại: “Khi bé được 16 tháng, tôi đưa bé ra công viên chơi. Trong khi các bé khác bằng, thậm chí còn ít tháng hơn bé Nhi đã đi lại thoăn thoắt thì bé nhà tôi mới chỉ lần giường tập đi. Chia sẻ với một số bà mẹ có con cùng độ tuổi, tôi được mách là nên cho bé uống thêm canxi vì có thể bé bị thiếu. Tra tìm trên các trang mạng, tôi cũng nhận thấy bé Nhi có những biểu hiện của thiếu canxi như: Rụng tóc thành vành sau gáy, chậm mọc răng, chậm biết đi…Thế là tôi mua luôn mấy lọ canxi cho bé uống bổ sung”.
Sau một thời gian bổ sung canxi cho con, chị Hằng thấy con có những biểu hiện như: Thường xuyên bị đi ngoài, cơ thể mệt mỏi, tiểu nhiều, thi thoảng lại nôn và sụt cân. Đi khám bác sĩ cho biết bé bị trúng độc do uống quá nhiều canxi.
Hiện nay, rất nhiều bà mẹ tự ý bổ sung canxi cho con mà không cần sự tư vấn của bác sĩ. Nhiều bà mẹ pha sữa quá đặc cho con vì tưởng như thế, con sẽ hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm vì pha sữa đặc có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải và tổn thương thận của trẻ. Đối với trẻ thừa cân, bạn nên chọn loại sữa đã được tách béo, tiếp tục uống sữa nguyên kem sẽ nguy hại cho tim mạch và huyết áp của trẻ.
Tuyệt đối không được uống sữa thay cho nước. Trong sáu tháng đầu nếu trẻ ti hoàn toàn sữa mẹ thì không cần uống thêm nước, nếu trẻ ti thêm sữa ngoài hoặc trên sáu tháng cần bổ sung nước uống thường xuyên cho trẻ với lượng vừa phải.
Nhiều bé đã bắt đầu ăn dặm ngày 2 chén bột mặn nhưng vẫn bị ép uống 700-1.000mlsữa/ ngày (chưa kể ti sữa mẹ). Đúng là sữa rất tốt và là sản phẩm cung cấp calci nhiều nhất nhưng để trẻ phát triển tốt bạn phải cho trẻ ăn đủ bốn nhóm thực phẩm: tinh bột (gạo, mì, ngũ cốc), đạm (thịt, tôm, cua, cá, thịt…), chất khoáng và vitamin (rau xanh), chất béo (dầu, mỡ).
Tất cả những việc làm của mẹ vô tình dẫn đến con bị thừa canxi. Các dấu hiệu thiếu canxi thì rất dễ nhận biết nhưng để biết trẻ có bị thừa canxi hay không, nhiều bậc cha mẹ lại… mù tịt. Thậm chí, nhiều người còn quan niệm thiếu thì mới lo chứ thừa chẳng vấn đề gì, thà thừa còn hơn thiếu.
Thực chất, thừa canxi có thể gây sỏi thận mạn tính, canxi hóa động mạch… Khi uống quá liều canxi, lượng canxi thừa ít được hấp thu, nếu được hấp thu sẽ bị thải ra ngoài cùng nước tiểu gây vôi hóa thận.
Thông thường, lượng canxi cho bé dưới 6 tháng tuổi là 300mg/ngày và từ 6 tháng đến 9 tuổi là 500-600mg/ngày. Biến chứng do thừa canxi xảy ra khi dùng quá 2.000mg canxi kèm với hơn 1.000 đơn vị vitamin D ở bé dưới 1 tuổi. Khi trẻ bị thừa canxi sẽ có các biểu hiện như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều, ỉa chảy hoặc táo bón, nôn mửa, mất nước, huyết áp tăng, rối loạn nhịp tim…
Về vấn đề này, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương: Thực tế thì 99% canxi dự trữ trong hệ xương và răng và chỉ 1% ở nội môi thôi. Nhưng 1% đó có vai trò quan trọng ít ai để ý đến như chức năng co bóp cơ tim, đông máu...
Rất nhiều trường hợp các bà mẹ nghĩ rằng đi xét nghiệm bệnh viện để xem có thiếu canxi hay không bằng cách lấy máu xét nghiệm nhưng 1% trong máu luôn được duy trì ở nồng độ ổn định. Vì vậy cơ thể sẽ luôn lấy canxi trong xương ra để duy trì nồng độ canxi trong máu. Nên việc đi xét nghiệm máu để xem có thiếu canxi không thì việc làm đó chưa hẳn là đúng.
Cũng theo bác sĩ Mỹ Thục các triệu chứng như lắc đầu, quấy khóc, ngủ không yên giấc, rụng tóc hình vành khăn là triệu chứng quá rõ của thiếu canxi và khi thấy các triệu chứng này thì cũng là bắt đầu còi xương. Và các triệu chứng này không chỉ cho thấy thiếu canxi mà còn là triệu chứng thiếu hụt nhiều vitamin khoáng chất khác.
Bác sĩ Thục đưa lời khuyên cho các mẹ nếu muốn bổ sung canxi cho con: Nếu bà mẹ nuôi con bú mẹ thì tiếp tục cho con bú mẹ tất nhiên là kiểm soát xem sữa mình có đủ cho em bé không bằng cách tăng cân đều cho con. Sau đó tìm hiểu kĩ nguồn thức ăn cho bé, nguồn gốc sữa. Còn khi dùng thuốc, thực phẩm chức năng thì phải theo bác sĩ, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ dùng ra sao vì nếu bổ sung không đúng cách sẽ gây ức chế và không hiệu quả.
Khi trẻ có dấu hiệu thừa canxi, điều đầu tiên cần làm ngay là ngưng tất cả các nguồn cung cấp canxi và vitamin D, uống nước bổ sung để bù nước. Mang trẻ đến gặp bác sĩ để được khám chữa kịp thời. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của việc ngộ độc canxi, các bác sĩ có thể dùng thêm thuốc lợi tiểu, corticoid, thẩm thấu màng bụng…
Tác hại của việc thừa vitamin
- Thừa vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
- Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.
- Do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp thừa vitamin C, nhưng nếu dùng liều cao theo đường uống có thể gây Viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy.
- Thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Bổ sung vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.
- Thừa vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu và vàng da.
- Thừa canxi dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp... xương cốt hóa sớm có thể bị thấp chiều cao.
- Thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim.
- Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hóa…
BÁC SĨ BẤT LỰC NHÌN BỆNH NHÂN RA ĐI DO THÓI QUEN SAI LẦM CỦA BỐ MẸ
Nhiều phụ huynh tự ý bổ sung canxi cho con cực nguy hiểm