Thứ tư, 01/05/2024 | 22:27
RSS

Tân Hiệp Phát - Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững

Chủ nhật, 07/08/2022, 10:40 (GMT+7)

Theo bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì nhất định phải triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

Sự kiện:
Tân Hiệp Phát


Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Hiện nay, Kinh tế tuần hoàn vẫn là khái niệm khá mới mẻ và có phần xa vời với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, song với Tân Hiệp Phát, việc “hiện thực hóa” kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện từ năm 2013 thông qua những mục tiêu, hành động thiết thực. 

Ngày 7/9, chia sẻ cụ thể tại Hội thảo “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn”, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhấn mạnh: Sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là điều tất yếu, nhằm phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo bà Phương, là một doanh nghiệp sản xuất đồ uống hàng đầu tại Việt Nam, Tân Hiệp Phát đã thử nghiệm nhiều nguồn vật liệu khác nhau để làm bao bì như giấy, thủy tinh, nhựa… mỗi loại có ưu nhược điểm riêng song nếu không được xử lý rác thải đúng cách đều gây ảnh hưởng tới môi trường.

“Vì vậy, chúng tôi luôn băn khoăn, phải có trách nhiệm đưa kinh tế tuần vào vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi mọi cách sẽ giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, giảm rác thải nhựa ra môi trường, và phát triển các công nghệ tái chế nhựa trong sản xuất”, bà Phương cho biết.

Để thực hiện chiến lược về kinh tế tuần hoàn, từ lâu Tân Hiệp Phát đã đầu tư rất mạnh vào các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Có những dây chuyền đầu tư mới trong giai đoạn vừa qua mà Tân Hiệp Phát là nhà sản xuất đầu tiên ở châu Á lắp đặt như dây chuyền sản xuất nước giải khát bằng công nghệ vô trùng Aseptic từ hãng GEA Procomac. Đây là công nghệ không những cho phép giảm thiểu tối đa định lượng chai nhựa, đồng thời công nghệ vô trùng giúp sản phẩm đồ uống có được sự tinh khiết cao nhất mà vẫn giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng.

Tân Hiệp Phát còn đầu tư dây chuyền công nghệ từ Washing - Extruder - Injection Molding để tái chế tuần hoàn nhựa PE, PP, sản xuất pallet, thùng chứa rác... Nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ sản xuất tuần hoàn, từ 2013 tới nay, Tân Hiệp Phát đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tái chế các sản phẩm từ nhựa.


Tân Hiệp Phát vạch ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho kinh tế tuần hoàn. 

Bà Phương tiết lộ: Trong quá trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Tân Hiệp Phát đã chia làm 3 lộ trình thực hiện chính (mô hình 3R). Đi kèm theo đó, Tân Hiệp Phát đã xây dựng mô hình tuần hoàn sản xuất – tái chế nhựa đầu tiên tại Hậu Giang với tổng giá trị đầu tư lên tới 100 tỷ đồng.

Trong giai đoạn đầu từ 2013 - 2018, Tân Hiệp Phát đã giảm 50.000 tấn nhựa và giấy, giảm trọng lượng chai PET 15.6g, giảm hao hụt chai PET trong quá trình sản xuất, giảm định lượng giấy và khổ giấy, tái sử dụng màng có PE, túi chứa nắp, tái sử dụng thùng carton,...

Trong giai đoạn 2018 - 2022 Tân Hiệp Phát đã giảm tiếp hơn 20.000 tấn nhựa nhờ vào việc ứng dụng công nghệ chiết lạnh, góp phần nâng tổng số lượng nhựa tiết kiệm được lên tới 70.000 tấn. Đồng thời, Tân Hiệp Phát đã bỏ thùng carton và tích cực tái chế nhiều sản phẩm từ nhựa và giấy. Mục tiêu tới năm 2027, Tân Hiệp Phát sẽ giảm hơn 112.000 tấn nhựa và đẩy mạnh hơn việc tái chế các sản phẩm từ nhựa và giấy.

“Sau mô hình tái chế rác thải nhựa tại Hậu Giang, được sự cổ vũ khích lệ của tỉnh Hà Nam, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, dự kiến phát triển nhà máy thứ hai tại đây”, bà Phương chia sẻ.

Về khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu các giải pháp hỗ trợ từ trung ương, khung pháp luật và chính sách chưa hoàn thiện; Liên kết, quy hoạch chuỗi giá trị phục vụ cho ngành công nghiệp tái phù hợp với quy mô thu gom, đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế xã hội từng khu vực để triển khai tái chế hiệu quả về kinh tế.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, việc xây dựng kinh tế tuần hoàn không chỉ là bài toán về đầu tư, về vốn, mà còn đang gặp khó khăn về cách tiếp cận mô hình làm sao cho phù hợp với doanh nghiệp.

“Khi xây dựng kinh tế tuần hoàn, thay vì chờ được hỗ trợ, chúng tôi chủ động tiếp cận với những công nghệ mới, để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và giúp ích cho cộng đồng”, bà Phương cho biết.

Theo lãnh đạo của Tân Hiệp Phát, hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất đã tích cực tham gia xây dựng kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng, sự vào cuộc của doanh nghiệp chưa thể giải quyết ngọn ngành của vấn đề, làm thế nào để đưa kinh tế tuần hoàn vào mọi mặt của đời sống - xã hội.

Bà Phương chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu triển khai kinh tế tuần hoàn, qua khảo sát, chúng tôi nhận được phản hồi từ nhiều hộ gia đình cho rằng chưa biết cách phân loại rác thải tại nguồn. Thậm chí, có gia đình phản ánh nhà của họ quá chật, nên không có chỗ cho 2 - 3 thùng rác để phân loại rác thải.

“Do đó, ngoài việc vào cuộc của các cấp lãnh đạo, của các doanh nghiệp, thì cần có chiến lược nâng cao nhận thức của người dân ở quy mô quốc gia về phân loại rác tại nguồn”, bà Phương cho biết.

Bên cạnh đó, bà Phương kiến nghị, để phát triển hơn mô hình kinh tế tuần hoàn, cơ quan quản lý nhà nước cần mở rộng đào tạo hướng dẫn, phổ biến tới doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh về kinh tế tuần hoàn.

Chính phủ cũng cần hoàn thiện luật, quy định, chính sách, hướng dẫn; Đưa ra thước đo về thực thi kinh tế tuần hoàn, cơ sở hưởng ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn; Quy hoạch Khu công nghiệp dành cho chuỗi giá trị liên quan tới ngành tái chế phục vụ một khu vực địa lý nhất định.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại