Đối tượng Phạm Văn Nam
Theo Tiền Phong, thông tin từ Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, Phạm Văn Nam (43 tuổi, trú huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) được xác định là người đã điều khiển xe ô tô Mercedes tông anh Hà Xuân Hải (43 tuổi, trú khu phố 3, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết) tử vong vào rạng sáng ngày 12/5. Sau khi tông chết người, Nam đã điều khiển ô tô Mercedes mang biển số 30F-168.65 rời khỏi khỏi hiện trường, vào TPHCM. Sau nhiều giờ vận động, đến chiều 12/5, Nam đã đến Công an TP.Phan Thiết đầu thú.
Làm việc với cơ quan chức năng, Nam khai nhận tối 11/5, ông đi cùng nhóm bạn 3 người đến một quán nhậu ở phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết. Đến khoảng 0h15 ngày 12/5, sau khi nhậu xong, nhóm này tiếp tục ra khu vực bờ kè Phạm Văn Đồng để ăn khuya.
Khi đến đường Phạm Văn Đồng thì ô tô của nhóm suýt xảy ra va chạm giao thông với xe máy. Thấy không xảy ra tai nạn nên nhóm của ông Nam tiếp tục di chuyển nhưng vừa tới quán nhậu thì bị nhóm đi xe máy đuổi tới dùng ly, xô đựng đá đánh tới tấp vào nhóm của Nam.
Bực tức, Nam lên xe ô tô điều khiển nhiều vòng đâm vào nhóm đi xe máy. Sau khi xoay nhiều vòng, ô tô đâm trúng ông Hà Xuân Hải làm người này gục tại chỗ. Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.
Sự việc xảy ra đã gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. Bình luận về sự việc này, có ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm người lái xe ô tô gây chết người nhưng cơ quan công an cũng không thể bỏ qua hành vi của nhóm người đi xe máy trước đó.
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường điều tra vụ tai nạn. Ảnh: Zing
Nêu quan điểm về sự việc, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ trên Dân trí, về tổng thể thì lái xe ô tô có thể đi khỏi hiện trường nhưng người này đã lựa chọn quay lại để dùng xe đe dọa nhóm người, thì hành vi này cũng đã có dấu hiệu cấu thành hành vi tội phạm.
Qua theo dõi clip ở những phút cuối, luật sư Lực cho rằng khó có thể đánh giá đây là hành vi cố ý giết người, mà biểu hiện rõ nét ở hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Ở góc quay khác, camera ghi lại cảnh xô xát giữa tài xế ô tô với nhóm người. Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, luật sư Lê Hồng Hiển – Tổng giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự cho biết, qua thông tin báo chí đăng tải và xem video quay lại sự việc có thể thấy, trước khi xảy ra sự việc, có khá đông các đối tượng dùng bàn ghế, mũ bảo hiểm tấn công và lao ra ném vào tài xế chiếc GLC 300.
Khi nam tài xế thoát được lên xe và đi vòng quanh các đối tượng đã và đang tấn công mình, quan sát kỹ có thể thấy ban đầu tài xế GLC300 không chủ định đâm vào các đối tượng nêu trên bởi khi gần va chạm với những người vừa tấn công mình, tài xế đã có động tác phanh và tránh. Tuy nhiên, chỉ đến khi nạn nhân (mặc áo xanh) cầm cả chiếc bàn ăn ra đứng chặn đường và ném chiếc bàn vào xe thì mới bị nam tài xế đâm chế.t.
Trong trường hợp này có thể thấy nam tài xế đâm chết nạn nhân là do tinh thần bị kích động mạnh do một loạt các hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân và các đối tượng khác, các đối tượng tấn công nam tài xế nói chung và đặc biệt nạn nhân trong vụ này đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đó là xâm phạm đến sức khoẻ (cố ý gây thương tích) và tài sản (chiếc xe GLC300) của nam tài xế.
Luật sư Lê Hồng Hiển – Tổng giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
Chia sẻ về sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Hiển nhận định, có thể thấy đây là hành vi giết người được thực hiện với lỗi cố ý (người phạm tội nhận thức rõ hành vi lái xe đâm vào nạn nhân là nguy hiểm có thể dẫn đến chết người, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra).
Tuy nhiên, theo luật sư Hiển, hành vi giết người này phạm vào tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự (BLHS) hay tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 125 BLHS mới chính là điều cần phải phân tích, bởi mức hình phạt của 2 tội danh này khác nhau rất nhiều. Đối với tội giết người, mức hình phạt cao nhất là t.ử hình. Còn tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam (phạm tội đối với 2 người trở lên).
Trong trường hợp tài xế bị khởi tố về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (mức án cao nhất của khoản 1 Điều 125 là 3 năm tù giam) thì tài xế sẽ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như: đầu thú, nạn nhân cũng là người có lỗi. Nếu thành khẩn khai báo vào bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân thì đây cũng là 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, luật sư Hiển cũng thông tin thêm, đối với các đối tượng chửi, đuổi đánh, ném vào xe tài xế có thể sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134, tội cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 6 tháng đến 20 năm tù (nếu giám định thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên) và tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.